yêu là chết ở trong lòng một ít

“Mắt môi em làm tin”


mắt môi em làm tin, con mắt trần gian, blog con mắt trần gian, conmattrangian, phạm hoa quỳnh blog

Đáng ra, mùa thu sinh ra cho em. Một cách ích kỉ, em tin thế, em mặc định thế.

Mấy hôm nay, cả gió, cả nắng, cả phố xá, cả anh… đều cay nồng trong tim – thứ cảm giác giống như toàn thân tê liệt, rồi loang ra, mỗi khi Thu tới, nó gần gũi tới mức hình như đã thổi vào lồng ngực em từ nhịp thở đầu tiên trên cõi đời và ở đó thành “déjà vu”, còn riêng em, chết lặng.

Em nhớ mình đã từng cáu gắt, gào khóc vì anh quên sinh nhật. Em tưởng mình sẽ lại hậm hực, hờn dỗi; vì Thu đến đầy hãnh diện và chẳng bất ngờ như thế đấy, mà anh, chắc chắn, sẽ vẫn quên. Nhưng hình như, em lớn hơn rồi, nhẹ nhõm làm sao, em không còn đòi hỏi nữa. Vì hạnh phúc anh mang đến cho em, bấy lâu, bung tràn; em đâu có ngờ, em ngồi khóc trong tình yêu ấy bởi chính vết loang ra của hạnh phúc.

Có chăng, mùa Thu tặng em quá nhiều thổn thức để dành cho đủ loại tình yêu: cho con chim chào mào kiêu kì nghếch mặt chúng mình vẫn thấy ở Hàng Trống, cho buổi chiều có vệt nắng chạy dọc phố Nguyễn Thái Học; cho cái tiếng khàn khàn của Garou khi anh ấy hát  “dans ma maison à moi, Il y fait toujours beau, l’hiver il fait moins froid, l’éte il fait moins chaud, …ma maison si tu veux, ce sera ta maison..” trong vở nhạc kịch “Notre Dame de Paris”; cho niềm háo hức với những đôi hài em bé; cho cả những lần, ôm mớ tóc rối tinh mệt mỏi của anh ghì vào lòng mình.

Tại sao, dù bấp bênh đến vậy, em vẫn cứ tin chúng mình sẽ không thể rời xa nhau. Có thể sẽ không có một đám cưới nào, không một căn nhà nào, không một tài khoản ngân hàng nào, nếu chúng mình có con, nó sẽ không học một trường lớp nào… có thể sẽ hàng bao chuyện phi lý đối với xã hội này xảy ra với 2 đứa (có thể lắm chứ! giới hạn cho 2 chữ này là vô biên)..  thì bám theo em là thứ niềm tin được cùng anh gây dựng tất cả. Chưa bao giờ hiển hiện bằng vật chất, nó chỉ lên tiếng mỗi khi khép mi mắt xuống, nhịp tim ngắn lại và thấy trên môi tê rần.

Em đem thứ xúc giác đó làm tin cho tình yêu; khi nhớ anh, em cảm tưởng có cơn gió mùa thu lùa qua kẽ tóc vành tai, em cảm tưởng như sự chết lặng bắt đầu loang ra; em cảm tưởng thấy những sợi máu trồi lên, thấy vết cấu cào của hồng cầu trong thành mạch, em cảm tưởng thấy cả anh biết điều đó, rất rõ ràng.

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, ngồi kể bên thềm

Tôi nhớ nội quá!


Sớm nay sương bàng bạc. Người ta bảo thu về rôi. Chắc thế thật.

Mồng một Âm lịch, người ta kiêng đủ thứ. Mình chẳng có gì để kiêng khem. Vẫn dắt xe và ra đi. Mồng một của tháng đầu thu rất đẹp: cỏ lau mới trổ bông đẹp, nụ hoa vàng nở dại đẹp, cái hơi lành lạnh khi đi qua sông cũng đẹp nữa.

Nội thì đã quá thu mất rồi, tóc không phải màu bàng bạc, mà bạc trắng. Chắc hôm nay nếu không mệt hay đau, nội cũng sẽ tất tả đi chợ, lên chùa.

Ngày bé, khi nằm lăn ra nền nhà chép kinh Phật cho bà, mình thề đã từng không che dấu sự chán nản: Sao bà lại thích mấy thứ chùa chiền, kinh cầu chán ngắt này chứ? Khi đó, với đầu óc của một đứa tiểu học, mình thậm chí còn coi những bài kinh đó chỉ là những câu ngắn dài vần vần với nhau (mà lúc người ta “tụng” lên nghe cũng chẳng còn tí vần vèo nào hết) chứ cũng chẳng hề biết đó là một thể thơ dân tộc có tên Lục Bát, nếu không đi học!

Bây giờ cho mình đánh đổi, mình sẽ không chỉ chép những câu kinh đó vội vàng như cái ngày mong ngóng xong thật nhanh để xem tivi. Cho mình đánh đổi, dám cá là mình sẽ không phụng phịu mỗi lần bà nhờ đi mua trầu không,
thuốc lào. Thế mà,…đã hơn một năm rồi không được về thăm bà, chỉ tiếng bà nói cười thôi cũng không được nghe. Mình cũng biết, chẳng có ai chịu đánh đổi hết. Vì họ không làm sao có lại được đôi mắt tinh tường của bà nữa, có lại được hàm răng lay láy nữa, vệt trầu đỏ hoen trên vạt áo cũng vậy.

Bây giờ cho dù mình có hiểu hết những cõi vô thường, những cái vô ngã,  những điều khổ, cũng không cần thiết nữa. Nội cũng như mình, như bao người, sống trong cõi vô thường trời đất: Đã sinh, đã trụ, và biết đâu cũng chẳng lâu xa gì một ngày thu, sẽ dị, sẽ diệt, sẽ tới một nơi chỉ có cái “không”. Giá như, được ngủ trong vòng tay khô mòn của nội, cho đến khi bình tĩnh hiểu hết cuộc đời của nó, và hết cả những điều Phật dạy cuộc đời xa xôi kia, mình mong mình sẽ là đứa chậm hiểu nhất trong cuộc đời này.

Mùa thu đẹp thế, phải những ngày đẹp trời, sẽ vẫn hay phóng xe vù vù cho gió lùa qua cổ áo, qua ống tay áo vào người. Nhưng bữa nay, đã phải dừng xe rất lâu, chỉ để nhìn một lưng áo nâu, đôi ống quần bước thấp cao tất tởi xách chiếc làn, cho đến khi xa khuất sau khói trầm của một ngôi chùa nhỏ bé bên đường, sau màu nắng nhòe sương bàng bạc thu sớm.

Mình nhớ nội quá!

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu

Lạc quan không bông đùa


Mình chỉ muốn nói rằng, mình rất thích những người bông đùa bằng cách tự nhận mình “trẻ/già” không thật thà. Quả vậy, già mà nói già, trẻ tự nhận trẻ thì cũng chỉ hoặc là quá tầm thường như chuyện uống một cốc trà chanh, hoặc là căng thẳng và chán ngắt như… “trả bài giáo viên”, bạn có công nhận không?. Tôi thích nhìn một bà chị vừa giả bộ làm mặt ủ dột vừa xua xua tay: “thôi,
chị mày….già rồi”, hay một bác trai ngoại ngũ tuần nở nụ cười vừa phúc hậu vừa…tinh quái: “cô cứ nói thế nào, tôi vẫn trẻ chán”. Khi đó, nhìn họ, thế nào cũng rất yêu đời.

yeah1_teens_152

Tháng 7, tháng mưa. Phố lúc nào cũng ẩm ướt, đi ra ngoài là thấy ngay hơi ẩm xông vào người, lành lạnh.

Bữa trước, lần đầu được nghe toàn chuyện về đôi trai gái và chiếc cầu Ô Thước. Tất nhiên câu chuyện có phần nhân văn cao cả – ca ngợi tình yêu lứa đôi bền chặt, thủy chung. Dù sao thì đó cũng là truyền thuyết, nếu không, “tòa” cũng đã cho họ… ly dị nhau dứt khoát luôn, phân chia đất cát, vàng
bạc, cổ – chứng rõ ràng luôn, chứ đâu để nàng Nữ đến mùa lại mè nheo như vậy. Đấy là cái tuyệt vời của  giả tưởng. Người ta quen nói về một người ngồi bên cửa số ngắm mưa tháng 7 và xót thương Nữ – Lang là…trầm cảm, hoặc là một vài từ khác tương tự. Nhưng đúng ra, sống ở cuộc mưu sinh mà luôn giữ trong đầu hiện hữu 2 chữ “thực dụng”, thế mới đáng để trầm cảm. Các bạn cứ nghĩ mà xem. Thực tế là người ta đang lạm dụng quá mức từ “tự kỷ”. Điều đó chả hề tốt tẹo nào. Nó không khiến cho số người bị tự kỷ “thật” bớt tự kỷ đi, và khiến cho người không tự kỷ nhưng có bộ dạng hao hao tự kỷ vui lên. Thậm chí, đôi khi mình thấy, một vài thực tế là sự ngược lại thảm hại của 2 trường
hợp trên. Thế đấy!

Mình nói là mình rất lạc quan, rất yêu đời. Đã xong công việc, đã hết đắn đo, đã đọc một vài quyển sách và xem “phải” một vài tập phim có dư âm dễ thương, đã giải quyết nhiều bức xúc, đã xuống tóc đẹp giai, đã có một đêm
lang thang quanh Hồ Gươm hát “Im lặng đêm Hà Nội” trong bộ dạng giai đẹp với con bạn. Và chuẩn bị “phượt” lên biên cương, “nằm vùng” 3 ngày.

Nếu đã từng gặp mình, mình đoán là sau khi nghe xong bạn muốn cười, vì bạn nghĩ mình đang “không thật thà”, mình bông đùa.

Tháng 7, phố mưa. Có nước mắt dần mòn của Nữ, của cả cô gái nghịch mưa mới biết cô ấy đang yêu đời. Ai không tin mặc kệ!

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, ngồi kể bên thềm

HÀ NỘI – Một tình yêu thôi để nhớ


 SON_3331_502

Những ngày tháng này, cả Hà Nội đang ngả đầu vào thu. Trong từng hơi thở heo may, có những hồi tưởng trầm hùng của xưa cũ, có hiện tại được trang hoàng nguy nga , và những khúc nhạc ước mơ tươi trẻ.

Một nghìn năm: quá dài để đong đếm đời người, nhưng là ngắn cho biết bao thay đổi. Từ  Lý Thái Tổ đến Hồ Chí Minh. Từ Hoàng thành Đại la 36 phố phường tới thủ đô 3344,7 cây số vuông. Từ Thăng Long đến Hà Nội. Từ văn hiến đến văn minh. Hay đơn thuần từ sự thay đổi của “người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, không nhớ nổi một con đường” đến một sớm tinh mơ thấy “tâm bình yên” và “HN rất thân quen”. Quá khứ để lại cho ta những giai âm “không thể nhân bản” (theo cách nói của NS Nguyễn Cường).

Cái tình đến trong mỗi người yêu Hà Nội theo cách riêng khác nhau. Có thể như ông họa sỹ ôm hết những nóc phố xô nghiêng cho vận vào sinh nghiệp. Biết đâu là cô gái ở lại vì phải lòng “một đời thơ dại khờ” nào đó. Hay người lính thời chiến nhớ tháng năm tuổi mình qua dáng Long biên nằm vắt ngang thời gian, in sâu vào khói chiều, đỏ quạch.

Tuy nhiên, cũng có một lí do chung cho nhiều tình yêu Hà Nội: mùa thu. Tôi công nhận Hà Nội mùa thu rất đẹp, quá đẹp. Tôi đoán thu xưa hẳn giản đơn, thanh thoát, mềm mại lắm. Giống như cô gái trong trái tim Hoàng Dương: “dáng huyền tha thướt” và “tóc thề thả gió lê thê”. Bây giờ, cô gái ấy đã tân tiến, rực rỡ, mang chút gì đấy sang sang của người phụ nữ nhảy điệu Tango. Bằng chứng là có quá nhiều kẻ si tình đổ về đây để mòn mắt. Thu nay thật ngắn. Nó khiến ta mỏi mong chờ đợi, rồi một phút giây vô tình quên lãng, khi giật mình ngỡ ngàng đã đành chia ly. Đến và đi nhanh như một đoản khúc, thành ra, lúc nào thu Hà Nội cũng là thứ men làm người ta dù xiêu đổ vẫn một mực khát khao.

sam_9030_1566851813

Thành đức – Đạt tài: Phong thái nho nhã, học thức của người Hà thành cũng là một cách để người ta đến với đất kinh đô. Sau bao cuộc bể dâu, dù dưới triều đại – thời đại nào, chốn kinh kỳ luôn là cái nôi của văn hóa. Tôi không muốn nói đến những dòng người tạp nham vào ra thành phố mà các bạn đang chứng kiến mỗi ngày. Bởi đơn giản họ không phải “người – Hà – Nội”. Nhìn chung đó là một cụm từ hoàn toàn không dễ cắt nghĩa. Theo một cách nghĩ, thì “người Hà Nội” dường như một khái niệm mơ hồ, không có thật, hay không còn nữa giữa thế kỷ này. Vẻ như đâu đó tôi đã từng gặp một vài “người Hà Nội”, hoặc những người không phải “người Hà Nội” nhưng mang dáng dấp Tràng An. Trong hình dung của tôi, họ đi khoan thai, cười dịu dàng, ăn cầu kỳ và nói ý nhị; nhiều lúc, họ làm tôi lien tưởng đến những đóa hoa huệ trang nhã trong chiếc lục bình kiểu cổ mang tên “Hà Nội Phố”.

Đôi khi trong tôi là sự ghen tị với những ai có quyền kể về Hà Nội bằng những tính từ sở hữu hợp pháp, tức là Hà Nội của “anh ấy”, Hà Nội của “chị ấy”, Hà Nội của “họ”, vân vân. Điều đó làm tôi chỉ dám dành cho Hà Nội một thứ tình đơn phương hoang hoải, len lén như nụ hôn của “anh ấy” với “chị ấy”, như những lời thầm thì của “họ”. Hà Nội trong tôi là những vạch ngang dọc trên tấm bản đồ, nơi ấy, con đường sỏi đá đã quen tên bàn chân. Hà Nội đi qua tôi như vệt lướt nhẹ nhàng của âm sắc, hương vị, cảm giác: nhạc Phú Quang, hoa sữa, và một ngày gió se. Hà Nội với tôi là cả khát vọng thanh xuân, miền ước mơ phồn hoa, danh vọng. “Hà Nội của tôi” là góp nhặt những mẩu chuyện lăn lóc giữa đường, là đan xen những cung bậc cảm xúc: từ ánh mắt vỗ về nụ cười, từ tiếng sóng cồn khi giọt nước mắt vô tình đánh rơi vào thinh không.

Tôi đã có “mối tình lẻ” 3 năm để ghi dấu về thủ đô ngàn tuổi vào ý niệm – với âm nhạc, hội họa và văn học. Thành phố này là cái duyên kỳ ngộ cho tôi bám víu vào nghệ thuật. Những sự gặp ngẫu nhiên và phi thực như thế ít gây ra vết thương cho ai. Phải chi Hà Nội là một chàng trai, có thể tôi sẽ yêu và nhất quyết đòi kết hôn với “anh ấy”. Tiếc rằng Hà Nội mãi là một giai nhân…

“Còn điều chi ta mải miết đi tìm?”.

Tiêu chuẩn
yêu là chết ở trong lòng một ít

Dạ khúc thơm


Hoa sữa ngọt ngào quá phải không c?

Mùa thu đấy! Trong veo, lắng đọng.

Uhm, thu! Se, tái.

Trong những khoảnh khắc mong manh, thu quá âm thầm đến bất ngờ.

Âm thầm đẹp như từng hơi thở của bông sữa đang run rẩy trong gió may.

Âm thầm ấm áp như nụ cười, ánh mắt của c (không dành cho t đâu, phải không?).

Âm thầm ngọt ngào thật dịu dàng trong tim khúc hát “em có nghe mùa thu mưa bay gió nhẹ, em có nghe thu về hát khúc yêu thương, em có nghe nghe mùa thu tới, bao trái tim vương màu xanh mới, em có nghe nghe hồn thu nói, mình yêu nhau nhé”.

Âm thầm như những cảm xúc của tớ – cứ đôi khi lại rung lên, lại cháy đỏ trái tim và chẳng bao giờ thành lời, có lẽ.

Âm thầm như đêm, đêm thơm.

Cảm ơn c, dù vẫn biết t đang ngộ nhận (hay cố tình ngộ nhận, đại loại thế), nhưng niềm vui này khó tả vô cùng. Nếu cứ âm thầm, t biết sẽ không có một bài ca nào vang tiếng. Nhưng dường như là t muốn giữ tất cả như từng phím “dạ khúc” cho riêng mình thôi.

Tiêu chuẩn