nghĩ lại về sự lương thiện, con mắt trần gian, conmattrangian, phamhoaquynh, phạm hoa quỳnh
cuộc đời đó có bao lâu, mục này mẹ dành cho con, ngồi kể bên thềm

Nghĩ lại về sự lương thiện


Thi thoảng nhớ về cái câu gào thê thiết của anh Chí Phèo vẫn bị người đời nhại đi nhại lại chợt thêm buồn cười. “Ai cho tôi lương thiện?”

Ờ, đó là một tham vấn sâu sắc. Tuy nhiên, trong nguyên tắc 5W1H, thì “Who/Ai?” hãy còn là chuyện phía sau, trước nhất phải là “What/Cái gì?”. Thế nên, lương thiện là cái gì?

Bạn có nghĩ mình lương thiện không?

Tôi vẫn chắc mẩm bấy lâu về tôi như thế.

Tôi không đánh đập con nít, không giày xéo người già, không sa đà tệ nạn xã hội, không thủ ác giết người cướp của, không bán đứng đất nước, vân vân.

Tôi thích cây cối hoa lá, thích động vật ngộ nghĩnh, yêu trẻ nhỏ dễ thương, mến người già yếu,  thương phận cần lao, vân vân.

Tôi thực sự vẫn chắc mẩm về sự thiện lương của mình, cho đến một ngày. Tôi nhận ra tôi mua cây về trưng nhà nhưng người vẫn đều đặn tưới cây là Long. Tôi nhận ra tôi luôn có phản xạ đập muỗi, giết kiến gián ngay khi nhìn thấy chúng. Tôi nhận ra mình chỉ yêu quý lũ trẻ biết hợp tác, chỉ tiếp chuyện những người già còn minh mẫn, chỉ cảm thông với người nghèo hiền lành…Sự lương thiện mà tôi có được là thứ “lương thiện chỉ định”, lương thiện do nhận thức chứ chưa phải lương thiện của cảm thông.

À, nhắc đến Long, tôi lại rạo rực muốn khoe về chuyện này, dù đã kể đi kể lại cho vài người bạn.

Long – ông chồng tôi – thi thoảng làm tôi thấy bị băn khoăn về sự “động – nóng – bạo” của y. Thích ăn thịt hơn rau, thích ăn nhanh hơn nhai kỹ, thích những công việc mạnh tay và nhanh xong hơn những việc cần thời gian và chậm rãi, thích phim hành động hơn phim điện ảnh, thích sách chiến tranh hơn thơ, thích EDM/rap riếc hơn dân ca hoặc nhạc trữ tình, thích cào cào/phân khối lớn hơn đi bộ/yoga, thích tắm trong các hóa chất công nghiệp có mùi mạnh và rõ rệt hơn nước lá mùi hoặc bồ kết… Có hôm tôi khóc mếu trăn trở với bạn mình rằng tôi bị lừa rồi, hồi yêu nhau tôi bảo tôi muốn sau này lấy nhau 2 vợ chồng có thời gian rảnh sẽ cùng đọc sách uống trà hoặc nghe nhạc sưởi nắng ngoài hiên, ông ý hưởng ứng ngay, tưởng deep lắm, ai ngờ tôi lấy phải một ông “Dương Quá”, đã thế còn “Lười Quá”, cứ ăn xong là leo lên giường lướt FB hoặc xem đá bóng hoặc ngủ khoèo từ chợp tối. Liệu ông ấy không thích những sự dịu dàng (hơi sên sến) thì có phải người biết yêu thương không nhỉ, liệu cục cằn nóng nảy có biết dạy con thành người giàu nhân ái được không?

Kể sơ về nhân vật là như thế, còn chuyện thì như sau. Trong hẻm nhà tôi có một bờ tường cao ngang mặt người, nơi tập kết những cái cây chết ngắc của những gia đình quanh đó sau một thời gian sống trong nhà họ. Trung bình mỗi ngày, tôi thường thản nhiên qua lại con hẻm cả chục lần, nhưng rất ít khi mắt tôi dừng lại để nhìn vào cái vùng còng queo đó. Ngày hôm ấy cũng thế, tôi và Long đi qua, trong chiều nắng gắt đầu hạ. Anh phát hiện một khúc gỗ gầy nát có vài rễ phong lan thờ ơ bám vào, cả “tổ hợp thực vật” khô mốc không sức sống chỉ còn 2 cái mầm lá bé bằng đầu ngón tay cũng đang kiệt sức rũ xuống và héo dần, chúng bị ném vào xó xỉnh phía trong cùng bờ tường. Long lôi ra. Tôi chép miệng: “Nó chả sống được đâu anh mang về làm gì? Mang về cũng biết để đâu?” (bọn tôi – chủ yếu là tôi – vẫn có thói xấu là hay hack cây về nhà). Long không mang về thật, nhưng anh ngắm nghía khúc gỗ một lúc, đoạn anh ấn nó xuống cái vũng nước đọng của một chậu cây to gần đấy, nhấn nhấn nhẹ để mấy cái rễ đủ ngập hết và nước ngấm đẫm vào khúc gỗ kia. Xong rồi mới chắp tay sau đít mà đi.

Vì chắc mẩm về sự chết của những cá thể ngụ trên bờ tường ấy, tôi quên  đi khúc gỗ và nhánh lan. Vài hôm sau, buổi sáng mát lành như mùa thu, lá sấu tháng tư trải thảm trước ngõ dày như đệm – những hình ảnh lãng mạn theo kiểu “ăn xổi ở thì” ai cũng dễ thấy để tấm tắc. Tôi vô tình đưa mắt nhòm xuống vũng nước, 2 mầm tí ti rũ rượi đã ngoi thành 2 chiếc lá dài cỡ ngón nay, xanh len lét rồi bóng bẩy mỡ màng. Chúng làm tôi dâng lên niềm hạnh phúc kỳ lạ, về cây cỏ, về Long.

Tôi hiểu ra mình kỳ thực đã hời hợt, đã thiếu “tĩnh”, đã ÁC như thế nào. (Và yên tâm về độ deep cũng như khả năng dạy con trong tương lai của chồng).

***

nghĩ lại về sự lương thiện, con mắt trần gian, conmattrangian, phamhoaquynh, phạm hoa quỳnh

Phải chăng tình yêu thương cần đi vào những hành động chi tiết hơn và ân cần hơn mới làm nên  lòng lương thiện hoàn chỉnh? Chúng ta nói lời hoa mỹ lớn lao, đem tiền của mình cho người, đem thân bảo vệ bờ cõi của dòng dõi tôn tộc đến thế nào, mà vội vàng bỏ qua cơ hội sống của cỏ cây, mà vội vàng kết án tử hình động vật không-có-lợi, mà vội vàng kìm nhốt lòng kiên nhẫn với trẻ nhỏ, mà vội vàng chán chường người già, mà vội vàng dành sự thương hại cho kẻ yếu thế… có lẽ, vẫn chưa thể gọi là thiện lương cho lắm?

 

Tiêu chuẩn
nấm mốc âm tính, con mắt trần gian, conmattrangian, phamhoaquynh, phạm hoa quỳnh
không thể định hình, ngồi kể bên thềm

Nấm mốc âm tính


Nếu phải dùng một từ để khái quát về bên ngoại của mình, thời điểm này, tôi sẽ nói rằng nó quá Âm tính.

Ông ngoại tôi làm diễn viên văn công huyện, chết trẻ sau nhiều lần vào tù ra tội. Bà ngoại kịp có 2 người con trai (1 con đẻ 1 con nuôi) – đều đã mất (1 vì rượu 1 vì chiến tranh), và 2 người con gái là Cả Tâm và mẹ tôi. Mỗi người con gái của bà tiếp tục sinh cho bà 2 đứa cháu gái. Cả Tâm đã bỏ chồng từ sớm, tự thân nuôi các chị Hằng và Hường lớn lên. Rồi chị Hằng lại tiếp tục lấy chồng, có con, dan díu rồi bỏ chồng, có con, lấy chồng, dan díu rồi bỏ chồng, không thích lấy chồng nữa. Chị Hường khá hơn, yêu, chia tay, yêu, chia tay, yêu, chia tay…đâu như độ chục lần…rồi lấy chồng, cãi lộn đánh lộn với chồng…đâu như độ chục lần…rồi sinh con trai, không đánh nhau nữa.

Cuối cùng, ngồi lại trong căn nhà của bà tôi mỗi dịp tưởng như sum vầy nhất chỉ còn lại toàn phụ nữ. Vài người đàn ông ít ỏi là bố tôi và 2 con của bác trai cả mà thôi.

***

Tôi không biết người ta có từng nghiên cứu một định đề nào về sự tương quan giữa thời gian tồn tại trong một cộng đồng thiếu Dương tính đến sự thay đổi tâm tính của những người phụ nữ sống ở đó hay không. Hoặc có khi nào, chính phụ nữ cũng cảm thấy tủi hổ và kệch cỡm trước vô vàn biến chuyển của mình nên luôn gắng che giấu (dù không thành công) và chẳng dám thừa nhận hay không.

Trước mặt thiên hạ, họ có thừa tự hào về sự chung thủy đầy quả cảm của mình khi bao nhiêu đàn ông nằm chết rạp dưới gót mà vẫn ung dung ở vậy hoặc một lòng một dạ với đức ông chồng hiện tại. Họ khiến bất cứ ai cũng trầm trồ như đứng trước tượng đài “Việt Nam anh hùng single mom” của thời đại cũ. Nhưng trong những cuộc diễn đàm nhỏ lẻ với nhau, họ có thể ngồi cả ngày thủ thỉ nhỏ to về những chuyện mê tín, những sự ẩu đả phạm vi xóm giềng, những vụ ăn bẩn phạm vi tổ sản xuất, hoặc về cuộc trai gái ngoại tình của người này người nọ lại có khi (tưởng như không ai biết) của chính mình với các vấn đề rất mâu thuẫn, như: đời chị sướng nhờ đàn ông, đời tôi khổ vì đàn ông, bà này sướng nhờ chồng giàu, bà kia khổ cũng vì chồng giàu, cô kia sướng vì chồng phong độ, cô khác khổ cũng vì chồng phong độ. Họ truyền đạt kinh nghiệm cho nhau rằng con gái muốn đẹp thì ăn mặc phải aăâ ngực phải oôơ mông phải uưvêkép gì đó nhưng khi một đứa con gái như thế đi qua thì họ lại sẵn sang dè bỉu rằng cô ta không được đứng đắn chút nào; vì thương con họ có thể xúi những đứa bé (từ khi còn rất bé) hãy biết chọn nhà giàu sang thế lực để trao thân nhưng khi một nhân vật phim truyền hình làm vậy sẽ bị bỉ bôi rằng con ranh mất nết với ngôn từ thậm tệ không sao tả siết.

Tôi nhận ra họ chẳng biết thỏa mãn với hạnh phúc mà mình có được, nên xem thường phận đàn bà của chính họ để rồi ganh ghét, chán chường và sợ hãi đàn bà biết bao; họ tụ lại cùng thù hằn những người đàn ông trong khi cũng thèm khát dáng dấp của những người đàn ông để gánh gồng cuộc sống và cảm xúc. Đến mức, con Tít (con gái của chị Hằng với người chồng đầu tiên) dậy thì khi mới học lớp 3 đã trở thành điều ái ngại đáng phải đe nẹt; còn mẹ tôi luôn miệng hỏi tôi chửa con gì từ khi em bé mới 12 tuần và chẳng quan tâm nhiều tôi có mệt mỏi hay ốm nghén gì không, cho đến lúc biết con mình mang thai bé gái, bà đã chép miệng thất vọng, rồi ngày ngày sang ôm ẵm đứa bé trai con chị hàng xóm.nấm mốc âm tính, con mắt trần gian, conmattrangian, phamhoaquynh, phạm hoa quỳnh

Đôi khi, tôi có thể cảm thông và gần như thương hại trước những thèm khát hiển nhiên bình dị nhưng đã bị khô mòn và cong méo theo thời gian, những ganh ghét xuất phát từ tủi thân của bà của bác của mẹ của chị mình. Đó là khi tôi một mình dọn dẹp bữa tiệc tàn với cái bụng cồng kềnh còn ông xã đã say sưa thì nằm khểnh trên giường lướt FB. Hay sau đám cưới của em chồng, khi bố mẹ và em đang sụt sùi xúc động giây phút em làm dâu nhà người ta, tôi chợt giơ 2 bàn tay mình lên và phát hiện ra chúng đã xỉn lại vì nước giếng khoan nhiều sắt.

Thế nhưng, đó chỉ là một đôi khi.

***

Tôi đã nghĩ mãi về những ngày bố mẹ tôi chung sống đầy tiếng nói cười, quanh mâm cơm họ có biết bao điều muốn kể cho nhau nghe về một ngày vừa trải. Tôi nghĩ về những lần mẹ tôi khóc vì ghen tuông với cô tiếp viên hàng không Thái Lan đứng chụp hình cùng bố ở sân bay, vì đau khổ những khi bố nóng giận quát tháo động chân động tay, vì thương xót khi bố tai nạn…Trong mỗi khung hình đó, nước mắt không phải tủi phận mà nước mắt của Thương yêu.

Bây giờ, khi mẹ tôi đang trong độ hồi xuân đầy bứt phá, thích sinh hoạt đoàn thể, thích post stt FB bằng tiếng lóng của 9x, thích selfie/check in/live stream mọi thứ, thích mua mỹ phẩm online, thích nhắn tin Zalo thay vì gọi điện, thích vâng – dạ trước mặt đàn ông; thì cuộc đời tinh tường và sung mãn của bố đã cạn cho mái ấm đến mức lao phổi, viêm khớp, gai sống cùng bầu bất mãn ngập đầy buồng tim chỉ chờ chực bung ra mỗi lần uống rượu. Người đàn ông hiện tại đã thậm chí không còn đủ sự nóng nảy Dương tính để vực dậy nỗi lạnh lẽo hời hợt trong căn nhà.

Tôi biết, trái tim là thứ chẳng vững vàng lắm, nó thật dễ bị đánh lừa. Bớt đi một chút “thương”, nó đã khiến ta ích kỷ thêm nhiều phần, khiến ta tự tháo dần mối gắn bó với gia đình để kết thêm nhiều mối quan hệ xã hội khác, cái xã hội thực dụng rất tiếc lại cũng đầy âm tính và hết sức mê tín càng cuốn đi xa hơn trong huyễn hoặc rằng mình đang sống hiện đại hợp thời cuộc.

***

Tôi muốn phá nát sự Âm tính lan man như nấm mốc trong dòng họ mình đi, hay nếu không cũng là cách ly gia đình mình khỏi ổ bệnh đã ủ ê truyền kiếp ấy, bắt đầu từ mẹ.
Đã có lần tôi thăm dò thái độ của bà và hỏi “Mẹ có còn thương bố nữa không?” (Thương chứ không phải Yêu). Mẹ tôi trả lời sao nhỉ? Hình như không phải một đáp án nào cụ thể, mà chất vấn lại tôi “Sao con hỏi thế?”
Một vài lần, biết mẹ follow FB của tôi, tôi post những đoạn những câu ẩn ý trên đó mong rằng bà đọc được.

Và dường như tôi kỳ vọng hơi xa.

Cho nên trong con xóm nhỏ, mọi người đều hân hoan khoe nhau về sự giàu có hiện đại nhanh chóng, thì nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy vừa u ám vừa cỗi cằn. Tôi chán, tôi sợ về nhà. Tôi chỉ biết còn co tròn lại mà thương riêng lấy tổ ấm nhỏ – nơi có Long đã xuất hiện thật hoàn hảo trong đời như một định mệnh, dù tôi còn chưa nói với Long được lần nào những câu “em yêu anh” cho tử tế, chỉ có Long làm vậy, và nhiều khi trong vô thức đang ngủ chợt kéo tôi vào lòng quắp giữa 2 chân rồi hôn lên trán tôi – để tự miễn nhiễm cho chính mình.
 

 

 

 

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, quan điểm của tôi là..

Lý do cũ kỹ


Tôi vừa dứt cơn khóc thì bắt đầu viết cái này.

Hôm nay tôi dậy sớm hơn mọi ngày, rang cơm và nhường cái áo khoác đã ủ vừa hơi ấm trên mình cho chồng, giục anh đánh răng nhanh để ăn sáng kẻo nguội. Chồng làm mọi thứ uể oải, vẻ không tha thiết gì chảo cơm rang của tôi, ngồi ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy đồ ăn nguội ngắt. Tôi giận, tôi làm mặt xị, rồi vì thế mà chồng giận ngược lại tôi. Nhưng tôi không khóc, bởi lúc sau tôi nhớ ra nốt nhiệt to tướng trong miệng anh, tôi thấy mình sai, tôi muốn làm lành ngay. Tôi chạy lại sau lưng, vòng tay ôm và xoa xoa bụng, anh thẳng thừng hất tay nói rất mạnh: “Thôi đi, mãi cái trò ấy”. Tôi chỉ khóc từ lúc đó.

Tôi khóc vì thấy mình cũ kỹ.

Hôm nay tôi cũng có nghe đâu một anh nhà báo kể về phép thử gì của anh ấy trong một ngày dỗi việc, và ví von cái chuyện dẹp bỏ Hanoi Cinematheque như chuyện vợ chồng nhà người ta chia tay nhau, đại để chung quy anh định nói rằng đừng có mà xía vào bởi rõ ràng như thế là vô duyên lắm. Nên tôi tự nguyện kể chuyện nhà mình ra đây.

Rồi, bạn sẽ thấy đoạn cuối cuộc tình 14 năm của HC trên đất HN này, nó bị buộc phải chia ly (chứ không phải là thằng chồng muốn bỏ vợ như cách anh ấy xổ toẹt) vì lý do nó đã hoang tàn cũ kỹ (bên cạnh rất nhiều lý do sau đó như kinh tế, hội nhập,..: chiếm dụng đất rộng mà kinh doanh thua lỗ, đang phải bù bằng cách nâng giá đồ uống lên cao, không gian nghệ thật gì toàn Tây biết chứ Ta chẳng sõi mấy chứng tỏ không gần gũi với bản sắc văn hóa VN…)

Tôi cũng chỉ mới biết đến phép thử của anh lúc đọc stt hồi sáng nay. Tuy thế, 3h chiều hôm qua tôi có mặt ở HC, sau tất cả những lần đến đó vào buổi tối, để xem nó tồi tàn thế nào. Ngoài một mảng sơn rộng chừng 1m2 trên nóc rộp, tôi không thấy một mép tường nào tróc lở hay một cánh cửa gỗ nào thiếu bản lề, nếp chớp. Không gian chỉ bị bừa bãi vì Hôtel bên cạnh rục rịch chất đồ lên ba gác chuyển đi, và thật sự chật chội thêm nhiều bởi những tờ A4 dán khắp nơi “Không quay phim chụp ảnh”, “Không phận sự miễn vào”. Tôi ngồi đó giữa chừng 8 vị khách rải rác cả thảy,nghe ngóng. Một bạn gái đang làm presentation trên ppt, 1 cậu trai trẻ ngồi xem 2 cậu nữa đánh cầu lông ở sân, 2 cô trung tuổi của báo nào đấy phỏng vấn anh Tây về vấn đề điện ảnh Việt Nam, 3 cô bạn khác thủ thỉ trong một góc khác. Chẳng ai có vẻ gì đang được anh nhà báo kia mời cafe để bày tỏ quan điểm của mình với nơi đây, còn tôi và người bạn mình thì tự thanh toán 30k cho ấm trà mạn, vào lúc 6h30 tối.

cine21

Quay lại chuyện cũ kỹ. Một ai nhìn nhận bạn cũ kỹ không đáng sợ bằng việc họ khiến bạn tự cảm thấy như vậy và tự ái vì điều đó. Cách người ta làm với thành phố này là tạo nên những thứ hoa mỹ cạnh cái cũ kỹ để cường điệu hóa cả 2 thứ, đồng thời công kích những người yêu thích cái cũ kỹ kia là 1 nhúm kẻ ích kỷ lạ hậu thích ấp ôm quá vãng một cách khéo léo sao cho họ tủi hổ và tự câm miệng để giấu che đi sự lạc lõng của mình. Nếu anh nhà báo kia quả thực đã có mặt ở HC ngày hôm qua để làm phép thử nọ, và thu được kết quả rằng không nhiều người lên tiếng cho HC tới đây tham gia trò tiêu khiển của anh, thì chỉ có 3 lý do: một là họ không rảnh bằng anh, hai là họ nhận thức được việc tốn nước bọt với anh không phải cách đổi lại được cái rạp ấy, ba là họ thuộc nhóm yếu ớt và bị công kích từ trước đó mà tôi vừa nêu.

“Một số người đổ lỗi trung tâm thương mại, giá trị đồng tiền giết chết Hanoi Cinematheque.Có thể người ta sẽ không đổ lỗi, hoặc sẽ khóc lóc kêu ca bằng những luận điểm khác, nếu thay thế nơi này không phải là một trung tâm thương mại liền kề một trung tâm thương mại mà là một cái rạp vững chãi và nghệ thuật hơn hay một thứ gì ấy khác cũng lịch sự và yên bình tương tự. Ô kê, đúng là không đợi anh dùng HC thử lòng mọi người, thay vì chưng dụng những căn nhà cũ kỹ, thành phố này đã chuẩn bị sẵn vài building có sân chơi cho nghệ sỹ để làm phép thử tiền đề trong việc khai tử chúng. Khi người ta bắt đầu đưa ra luận điểm về những không gian văn hóa nghệ thuật được đầu tư hoành tráng mà vẫn đìu hiu cả khán giả lẫn doanh thu để chứng minh nhu cầu ăn ở may mặc nhảy múa đáng được trân trọng hơn cả, họ có ngay Heritage làm ví dụ, sau khi đã tạo ra một nơi vừa sang chảnh vừa quạnh quẽ, cách xa trung tâm thành phố quãng đường đủ dài để hít no khói bụi và tắc nghẽn, giữa một vùng kinh tế mới được bê tông hóa triệt để, thiếu thốn cây xanh, ngay sát bến xe bốc mùi nhất Hà Nội. Sau ví dụ bất ngờ và hùng hồn ấy, cái nhóm thiểu số kia sẽ càng thêm hoang mang ám thị: “Có lẽ mình cũ kỹ lạc hậu thật chăng?”

Bấy giờ, như cô vợ non đứng trước anh chồng gàn, chỉ còn khóc lóc, tự tránh né, và gay go hơn nữa là chấp nhận rời bỏ. Mất được Hanoi Cinematheque, người ta lên cót tâm lý cho ngày mất cả những L’espace, Manzi, Doclab… Sớm muộn CGV cũng sẽ nhân đủ số lượng cung ứng cho thị hiếu đại chúng thôi; nên thành phố không mất vài cái rạp phim, mà mất những nơi mà tại đó sau khi ra khỏi phòng chiếu, thước phim hẵn còn đọng trong tâm trí người ta bên bàn trà cạnh bóng hoàng lan, chứ không ở lại với vỏ hộp bắp rang bơ  để trên tay ghế.

Tôi trích dẫn nhiều lời từ stt anh nhà báo nhưng tôi không tính chĩa mũi dùi vào riêng anh, vì cho dù anh chê Dường như việc bảo vệ Hanoi Cinematheque được lên tiếng như một thứ trang sức, như khoác một tấm áo văn hoá và sự tử tế vậy thôi chứ thật tâm, họ cũng không quan tâm thực sự tới Hà Nội Cinemaque.”“Chính cộng đồng đã không đủ niềm tin, không đủ thật thà và sức mạnh để giúp những nơi như Hanoi Cinematheque sống!”, chính anh tự động đứng ra ngoài cả 2 phe “say Yes” và ”say No” mà nhập vào một nhóm thứ 3 “anyway we are okay” bơi lập lờ ở giữa (điểm mặt phe này tôi lại thấy có chia ra 2 trường phái: một là “Anyway we are okay but we support Vin” đại diện là fanpage “Hà Nội” của Hiếu Orion, hai là “I really don’t care”). Với phải nói thêm nữa rằng, những người yêu HC, muốn giữ HC không phải là “cộng đồng” hay “cộng đồng mạng”; họ là số rất ít trong đó, nhưng có nhiều rung động và sống tình hơn số ủng hộ “phe” trung tâm thương mại; họ ước muốn mình có đủ lớn mạnh để lan tỏa niềm tin và sự thật thà.

P/s: Lẽ đời run rủi thế nào, bọn nhiều tình thì hay tự ái, dễ khóc, yêu những thứ vĩnh cửu nhưng sợ cảm giác bị chê là cũ kỹ.

Tiêu chuẩn
conmattrangian, con mắt trần gian, phạm hoa quỳnh,
cuộc đời đó có bao lâu, quan điểm của tôi là..

Nghĩ về cái chết (suy nghĩ thật sau một lần được phỏng vấn)


Không cụ thể là cái chết, có thể là các thể loại nguy hiểm rình rập khác trên con đường mà bạn đã hô hào “nhấc đít lên và đi” như bao PHƯỢT THỦ kinh hoàng ở thế kỷ này, đó là chủ đề mà tôi hay được hỏi nhất từ mọi người, đặc biệt là các bạn phóng viên chuẩn bị lên bài sau mỗi lần có ai đó bỏ mạng giữa hành trình.

Đa số, vì phải giữ tính nhân văn cao cả mà xã hội vẫn tôn thờ trên những trang kênh truyền thông, tôi sẽ kể lể rằng gian nan khó khăn là vô cùng nhiều và khôn lường, và các bạn không nên liều mạng, đi đâu cũng cần có tổ chức đoàn thể cũng như phải tích lũy thật nhiều kinh nghiệm vào, nếu không sẽ làm đau lòng những ông bố bà mẹ ở nhà. Cho dù bạn phóng viên ấy rất nhiệt tình khuyến khích tôi hãy chia sẻ thực thà về mình và hành trình của mình lên mặt báo, tôi cũng không dám nói thật rằng: KHI TÔI ĐI, TÔI  ĐÃ SẴN SÀNG ĐỐI MẶT VỚI CÁI CHẾT. (Thật may tôi chưa chết nên còn ở đây mà mạnh mồm!)

conmattrangian, con mắt trần gian, phạm hoa quỳnh,

Ảnh đôi nào đấy không biết đâu, lấy trên GG

Ngày xưa, tôi có một quan điểm tôi cho rằng sai lầm, đó là chê bai bài xích mấy bạn áo đỏ khăn rằn đi chơi hội đồng rồi gặp chuyện này kia là bọn làm ô uế danh xưng “PHƯỢT THỦ”, thấy ác cảm với chữ PHƯỢT, hờn ghét ai bảo mình là đi PHƯỢT (có thể vì tôi tưởng rằng như thế thì tôi tự tách mình ra khỏi đám nhộn nhạo ấy để được “deep” hơn chăng?). Giai đoạn trước đó nữa cái hồi sinh viên sinh veo thì chính tôi cũng chỉ là một đứa thích tới đó tới đây, nhưng vì chửa dám đi một mình, chửa dám thể hiện một mình, nên cũng theo hội theo phường cùng mặc đồng phục, cùng ca hát và cùng chụp ảnh cho nhau, âu là một cách giải quyết những vấn đề xuất phát từ vị kỷ vừa triệt để lại có chỉ số an toàn khá cao. Cho nên bây giờ khác, tôi hiểu vì sao PHƯỢT đã ra nông nỗi ấy, biến dạng rất xa với ngày đầu nó xuất hiện trên đời. Tôi chẳng bảo vệ hay cãi lý hộ cái chết của những người đã chết, nhưng cái chết không đủ dài dòng để ta phải luận tội gì cả, nó không phải luôn là hậu quả của sai lầm hoặc luôn là bài học cho một mẫu số chung con người. Sự chết nằm sẵn trong người sống, một khắc hiện lên “thay áo cho đời ta” thôi.

Ngoài vòng tay bố mẹ là bão tố (với nhiều người, trong vòng tay bố mẹ thì vẫn bão tố vậy!). Nên chuyện xã hội kia sẽ bất ngờ cướp giết hiếp núi lở lũ quét sóng thần… ập tới quyết mang bạn đi trước cả Bình Minh thì hãy thấy đó làm điều bình thường. Đa phần dân cư xứ thiên đường chúng ta tham lam khôn cùng, vừa muốn đi để trải nghiệm mà cũng vừa muốn ních no kinh nghiệm để đi cho an toàn, vừa muốn tự do tự lập mà cũng vừa muốn được bố mẹ yêu thương an ủi chở che trọn đời. Bạn chưa từng gặp tên cướp của/hiếp dâm nào, bạn nghĩ rằng vào lúc hoảng hốt chế ngự não bộ, mấy cái mẹo trên youtube sẽ cứu vãn đời bạn ư? Bạn chưa từng biết rừng là gì, bạn hiểu được về những báo hiệu của mưa dầm/lũ quét ư? Bạn không tông xe vào người ta thì có chắc một cái container mất lái sẽ buông tha bạn à? Anh sinh viên xuất cmn sắc này kia với đầy mình trí tuệ, sức khỏe, sự tinh khôn của một gã thanh niên được nuôi dưỡng tại quốc gia tư bản giãy vài trăm năm chưa chết Christopher McCandless quyết định một ngày tay không into the wind, và rồi bỏ mạng vì ăn nấm độc, chấp nhận thanh thản thôi.  Đây không phải là liều mạng, chỉ đơn giản là công bằng.

conmattrangian, con mắt trần gian, phạm hoa quỳnh,

Khi bạn bảo rằng PHƯỢT THỦ chọn đi là lẽ sống, là cái tôi, thì nó chính là vinh quang mà bạn mong đạt được. Chết trên đường đến vinh quang âu cũng đáng hạnh phúc và tự hào vậy.

À với cả, tìm cách để hòa hợp: tôn trọng pháp luật, văn hóa địa phương và môi trường sống, thế là được.

 

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, quan điểm của tôi là..

Nếu những đắm say là vội vã


Các bạn ai cũng hỏi, tôi NHẬN được gì sau chuyến đi Xuyên Việt. Thông thường ngay tức khắc tôi không giỏi nghĩ được câu trả lời nào đã fun còn deep, tôi trả lời là TÔI KHÔNG BIẾT. Nhưng vừa mới đây nghĩ lại, tôi biết mình được CHO nhiều, nhiều một cách kỷ lục. Cuộc đi, cho tôi bè bạn, cho tôi ngày vui-buồn trọn vẹn, cho tôi rạn rĩ thần sắc và mở mang đầu óc, cho tôi người để nhớ chốn để mong… Nhưng cái CHO khiến tôi NHẬN thấy rõ rệt kèm với hàm ơn nhất, là sự cảm nhận về thời gian.

Không hiểu sao bây giờ, tôi bị  xúc động mạnh mẽ với một thứ vô hình như thế. Tôi nhìn cái búp bàng nhu nhú của hôm qua và chiếc lá đang xòe rộng ngày hôm nay, mà thấy gai người. Tôi cảm nhận được sự khác nhau từ mùa này sang mùa khác trên những căn nhà cũ nổi nhau nổi giữa nền nhạc hiệu phát thanh không chỉnh sửa bao giờ. Tôi xót xa thấy sự lún xuống của từng nếp nhăn trên mặt mẹ tôi, sự teo nhỏ lại của bắp chân bố tôi, sự nhàu nhĩ của da tay mình… Tôi cũng thường hào hứng chủ động tìm những sự khác của một vật gì từ ban sáng đến chiều tối, thường chột dạ trước đổi thay của người này người kia theo tháng năm, thường muốn tưởng tượng cũng nơi đó ngày xưa và ngày sau có những ai đứng, đứa trẻ nào sinh ra và người già nào chết đi. Chỉ cần biết hay nhận ra điều gì biến dạng, tôi có thể khóc vì vui sướng hoặc buồn thương. Nhiều khi, tôi ngâm tôi trong thứ cảm giác kì quặc này, chỉ vì có cơn gió vừa cuốn cánh hoa rơi xuống mặt hồ gờn gợn.

Có chắc những đắm say là vội vã không?

Hôm nay Trần Lập mất, 2 ngày trước Thanh Tùng qua đời.

Chắc chắn rồi. Không cần “nếu” nữa…

Đã lâu tôi chẳng buồn ngó những chuyện rối ren của người nổi tiếng, tôi cười cợt vào vài ba màn dạy đời khoác áo một xã luận thông não, tôi chán thứ nghệ thuật phải treo lên chiếu lên phát lên rồi ngồi im một chỗ mắt nhìn tai nghe tay vỗ, tôi thêm sợ hãi thứ thù hằn và vết bỏng chiến sự ngày xửa ngày xưa. Tôi chỉ còn tin nhiều hơn vào bạn tôi, vào những ai tôi trực tiếp gặp rồi chuyện trò. Tôi thích ôm vào lòng một người đang khóc hơn chửi bới đòi hòa bình cho nhân loại. Tôi yêu đám thợ thuyền hơn văn sĩ. Tại một thời điểm tôi chỉ còn muốn giữ chính giây phút ấy giá trị chứ không nghĩ tương lai rạng tươi nữa. Tôi thu về vi mô.

Nếu không phải là Trần Lập hay Thanh Tùng, mà là một người thân người yêu, chắc bạn cũng sẽ mau chóng thấy những điều tôi vừa nhắc mà chẳng cần phải đi xuyên Việt. Tóm lại, tất cả để cho nhau hiểu rằng: giây nào cũng là vội vã, nếu có thể đắm say được thì hãy, vậy thôi.

 

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, ngồi kể bên thềm

Từ Đất Đỏ tới La Gi – sự hồi sinh của người phụ nữ


Tôi định bụng sẽ viết riêng bài về Đất Đỏ cùng Xuyên Mộc, và một đoản văn cho La Gi như thế nữa. Nhưng dẫu sao hôm nay cũng là ngày đặc biệt, ngày tụng ca nhiều hơn bình thường về những bà mẹ người chị đứa em…,ngày tôi chợt nhớ quãng đường từ Đất Đỏ tới La Gi trong chuyến đi của mình rồi nhận ra, sao mà nó giống một cuộc hành trình tìm sự trẻ lại dọc theo cơ thể của người phụ nữ thế.

QUẨN QUANH CHÂN CHẤT ĐẤT ĐỎ

Từ Tp Vũng Tàu trên đường trở ra, sáng hôm đó, tôi nghĩ mình sẽ tới Phan Thiết. Nhìn bản đồ báo 170km, với quãng đường này tôi yên tâm đi men biển đủng đỉnh ngắm nghía trời đất, cà phê cà pháo ăn vặt dọc đường rồi thì chụp ảnh quay phim đến 5h chiều là vừa tới.

Trước mỗi ngày đi, tôi chỉ dung đến Gmap để biết sơ sơ đường lối, còn lại chủ yếu tôi sẽ hỏi đường, nhưng hôm ấy kỳ lạ, hỏi vài người dân mỗi chú mỗi bác lại chỉ một hướng. Ai tôi cũng tin, rồi chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tôi cứ lòng vòng mãi trong cái đất Bà rịa – Vũng tàu. Phát hiện mình lạc, đi “huốt” tới tận mấy chục km, một anh chỉ tôi trở về lại ngã tư rẽ sang Đất Đỏ (chỉ cách điểm đầu tiên tôi đi chừng 1h đồng hồ chạy xe), tôi nghe theo mà lòng bắt đầu lo lắng và mất vui.

May mà chỉ từ ngã rẽ ấy thôi, Đất Đỏ như viên Alaxan liều cực mạnh, tôi vui ngay khi vừa dấn vào chừng vài km.

 

Trước đó, ở Saigon 2 tuần, càng về sau tôi càng thấy mình “không khỏe” (nói theo cách của người miền trong). Tôi không sửa kịp xe để đi tiếp sang miền Tây, tôi không ngồi được xe khách hay bus để tìm hiểu được nhiều về Saigon, tôi ở nhờ nhà bạn bè, công việc kinh doanh cuối năm tất bật mà tôi thì chẳng thể giúp đỡ được họ cái gì cho đỡ thừa thãi chân tay. Tôi chỉ có bàn chân đi bộ miết miết, đi hết từ Phú Nhuận sang quận 3, sang quận 1 sang quận 5 lại vòng về quận 1, xuống quận 4, quận 7…Rồi tôi bỏ Saigon để sang Vũng Tàu thăm bạn, rời thành phố ra biển, tôi dễ thở hẳn. Gió Vũng Tàu đặc sản quá. Thế nhưng cũng chỉ lưu lại được 1 đêm, sáng hôm sau tôi đi như vừa kể đó.

 

conmattrangian, con mắt trần gian, phạm hoa quỳnh,

12651376_1251921144823734_7600529630620860392_n

 

Đất Đỏ nghe sao mà mộc mạc quê mùa, nên nó mở ra hai bên tôi ngút mắt cánh đồng, chẳng còn thấy những bờ thửa đâu nữa. Không cây cối nhà cửa núi non nào chắn che, gió cứ mặc sức tung hoàng quăng quật trên thảm xanh khôn cùng như biển. Có khi bởi vì gió đảo tung hương lúa ngậm đòng bay lên chẳng khác một lũ trẻ nít phàm ăn hào hức rang mẻ cốm lớn, nên Đất Đỏ lại đượm màu hoen hoen hiền từ của một người già vừa nhai trầu vừa trông chừng lũ cháu thơ.

 

conmattrangian, con mắt trần gian, phạm hoa quỳnh,

Cánh đồng Đất Đỏ

Đất Đỏ là đất đỏ thật đấy, nhưng nếu tôi cứ bon bon trên con đường quốc lộ, nó làm sao có dịp bám vào gót giày tôi cho được. Hồi này, chắc cũng ít đứa cháu nào còn nhơ nhớ hơi trầu vôi của bà.

XUYÊN MỘC – ĐÂM QUA RỪNG TRÀM ĐI TRONG HƯƠNG TRÀM

Đi hết đất Xuyên Mộc thì còn dài tít tắp. Tôi chỉ định kể đến Bưng Riềng. Hí hửng rằng đi suốt từ sáng đến 4h chiều, nghĩ bụng hẳn là mình sắp cập bến Phan Thiết. Chợt ngó ngang một quán bên đường, tôi thấy 2 chữ Bưng Riềng. Chột dạ, tôi lại nhìn xuống dòng dưới: Vũng Tàu. Thôi xong, tôi chưa sang đất Bình Thuận, mà đang ngay ở cái quê hương yêu dấu của thằng Thành (ông bạn bên 24h nói chuyện cộng tác các kiểu đã lâu mà chưa một lần gặp mặt) đây. Điện thoại hết pin, tôi tấp vào quán nước đó sạc nhờ. May quá danh bạ hẵn còn lưu số nó, tôi gọi với hi vọng thứ 7 có thể nó rời Saigon về thăm nhà. Thằng Thành nhấc máy, nói có ở quê thật. Giời ơi thế có duyên không!

Nó dắt về nhà cách chỗ tôi vừa dừng chừng 3- 4km, nằm sau tòa giáo xứ Hòa An; nó hớn hở giới thiệu tôi với 1 vòng ba má và “em”; dắt tôi đi xem bầy phong lan bố nó treo trước nhà, lũ hồ tiêu non sau nhà đang bắt đầu leo quanh cốt. Còn một tí ti nắng chiều, tôi đòi đi thăm rừng, nó cũng ô kê dẫn tôi đi “thật ra chỗ tôi gọi là rẫy, có thanh long, có sắn, có cao su, hồ tiêu, điều, tràm; có cả hồ cá nữa, nói chung chả mét vuông đất nào bỏ hoang cả”. Đứng từ đường 55 lác đác tiệm cafe võng mà nhìn quanh, tôi đâu có ngờ mấy lối mòn lách qua bên hông nhà chính là những con đường “xuyên mộc”, đâm sâu vào những đồi nương trù phú tốt tươi đến thế này.

conmattrangian, con mắt trần gian, phạm hoa quỳnh,

Thành chụp tôi trong lối vào rừng tràm

Buổi tối nhà Thành có tiệc của hội cầu lông quanh xóm, bữa tiệc lạ hoắc huơ mà hãn hữu tôi lại chẳng e ngại gì, mọi người gọi nhau ông Ba bà Tư thím này dì nọ, bé Hòa ra sức gắp đồ cho tôi, thằng Thành thì gạ uống bia còn ba nó say ngà ngà cứ nhất quyết đòi khóa cổng giữ mọi người ở lại nhậu tiếp. Hóa ra người Bưng Riềng sống rất bình tĩnh, giản đơn. Đàn ông chỉ cần có đất rừng để hài lòng với công việc trồng trọt, họ chắc chắn sẽ có được vợ, và vợ sẽ hài lòng về chồng. Sớm nắng chiều mưa theo nhau ra rẫy, chiều tối sang nhà nhau uống bia, ngà ngà biết đứng dậy về với vợ con. Chẳng nhà ai lo đói bao giờ.

conmattrangian, con mắt trần gian, phạm hoa quỳnh,

Những người đàn ông lâm phu sống đời bình tĩnh của Bưng Riềng

Đêm đó tôi nằm với bé Hòa, nghe em tâm sự chuyện riêng, nghe gió ào ạt táp vào cửa sổ. Gió mang hương tràm đập bôm bốp lên mái tôn, sáng hôm sau theo tiếng chuông Hòa An rơi rụng lả tả xuống thềm nhà, lẫn vào nắng sớm, thơm sao mà khoáng đạt. Ồn ã rồi lắng dịu như một trận tình – mà phải là trận tình của những người lâm phu chất phác và vô tư như Bưng Riềng cơ ấy.

KHÚC CHUYỂN ĐỘT NGỘT BÌNH CHÂU

Bình Thuận mà tôi nhớ và tưởng(là)nhớ lấp lánh những bụi cát li ti sạn rát nơi đầu lưỡi…,những đồi cát vàng như cơm cháy cứ mỗi ngày lại được nắng rang thêm. Cát ám thị tôi, nó làm tôi ngợp đến mức quên đi Bình Thuận còn có biển xanh, còn có bóng dừa;  nó làm tôi tưởng nơi đâu thấy cát và dăm phụ nữ kĩu kịt quang gánh ngược gió táp đi chợ về, nơi đó là Bình Thuận.

Vừa rời khỏi Bưng Riềng trù phú xanh mượt kia, tôi đã thấy cát ngay. Rất nhanh, cát Bình Châu trắng, lẫn đất nên hơi xám, liếm vào vườn nhà, vun thành đụn trước cửa, lan rộng trong rừng. Nhà dân thưa thớt dần, dứa dại ngoi lên thay thế. Dăm thỉnh mười thoảng tôi gặp mấy con đường bê tông dắt vào một giáo đường nho nhỏ hay một nghĩa trang của người có Đạo, tất cả trăng trắng trên nền cát trăng trắng, khô khốc mịt mờ. Tôi chắc mẩm theo một logic đặt tên thông thường, Bình Châu thuộc về Bình Thuận.

Hóa ra không, Bình Châu vẫn nằm trong địa phận Vũng Tàu, nó chỉ như một bước chuyển thôi, nhưng là một bước chuyển đột ngột quá.

Tự dưng tôi muốn biết, nó có đột ngột bằng cái ngày em bé đầu lòng vừa chào đời, bà mẹ đơn thân nửa vui nửa buồn, xoa những vết rạn da trên bụng hôm qua còn căng nay đã nhau nhúm lại? Bình Châu nhau nhúm héo mòn, nhưng là cái bụng cằn bởi vì giấu giếm nhiều yêu thương.

LA GI NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀ CÔ GÁI TRẺ!

Tôi đã quả quyết thế kể từ khi mới nghe tên La Gi lần đầu, vì cái mạo từ “La” quá sức Tây Phương Giống Cái của nó. Đến đây rồi, tôi biết mình đúng, đúng lắm, nghĩa rằng ả không chỉ là cô gái, mà còn trẻ.

Nhanh nhảu lao Chiến Thắng cắm phập xuống lối cát trắng phau dài chỉ chừng 100m dắt từ QL55 ra bãi biển vắng tanh dưới cái nắng giữa trưa xói thẳng trên đỉnh đầu, tôi những tưởng nó sẽ được ngạo nghễ lăn lăn và để lại những vệt cào ngang dọc lên nền cát rắn ướt. Lối cát hẹp, là rằng ranh giữa 2 khu vườn của 2 gia đình, nhưng lại loang lẫn vào nhau, mọc hoang những cây hoa cầu gai mà sau đó tôi kịp ngắt 1 bó mang theo để làm vũ khí phòng thân (chửa kịp tự vệ  lần nào mà toàn thấy gây sát thương cho chính mình). Nhưng mịn thín và mềm nhũn như da thịt nơi bầu ngực của gái tân, cái bánh xe thằng Chiến Thắng vừa bập vô cát đã chỉ biết xoay xoay tại chỗ, chẳng nhúc nhích được mét nào, càng giảm số để lồng lên thì càng lún sâu thêm.

conmattrangian, con mắt trần gian, phạm hoa quỳnh,

Biển La Gi nhìn từ nơi Chiến Thắng mắc cạn

Tôi nản vì không sao di chuyển được, tiến lùi cũng bó tay, nắng chính Ngọ cứ thản nhiên thi nhau vắt tôi ra nước, đành lòng tôi liều dựng xe tại chỗ mà đi bộ ra bờ biển. Chẳng hiểu vì mất sức với thằng Chiến Thắng mất dạy khi nãy hay chính tôi cũng đang bị da dẻ La Gi dìm ngập, từng chân bước thấy chùn mỏi và khó khăn biết bao.

conmattrangian, con mắt trần gian, phạm hoa quỳnh,

La Gi còn khôi nguyên lắm

Chẳng ai biết tại vì sao nhưng cũng lấy làm may, khúc biển bờ bãi trắng phau phau với nước xanh lơ và sóng vỗ rì rầm ngày đêm như thế, nó vẫn chưa bị cái Resort nào chiếm mất. Ngư dân vẫn neo đậu thuyển mủng, vẫn câu cá cào tôm nhặt còng… Họ thấy lạ khi tôi chụp mũ bảo hiểm kín đầu đeo balo cầm theo mấy cành cầu gai và đi loăng quăng chụp ảnh quay phim, lại hớn hở một mình ca hát. Tôi lân la làm quen, hỏi tên hỏi tuổi, hỏi xem “bác ơi mình đang làm gì thế?” đã bị phủ đầu ngay “chụp cái gì, nhà báo à, chụp cảnh làm ăn khổ cực à, không khổ đâu, đừng viết nữa”. Hihi. Tôi hiểu ra La Gi không trẻ vì mềm, La Gi còn trẻ vì trong sạch và rụt rè nữa.

Bạn biết không, nếu viết xuống dòng như thế này

La Gi

thậm chí còn xinh xẻo như cái tên của một cô tác gia tiểu thuyết ngôn tình.

***

Viết đến đây, tôi có chợt nhớ đến mẹ tôi. Bà tên Hoa, 54 tuổi, mập mạp như điều đương nhiên của người trung niên, ngực xệ như điều đương nhiên của phụ nữ đã làm mẹ, lưng sụp và mông phẳng hóp như điều đương nhiên của phụ nữ Việt Nam ham làm lo nghĩ lắm mà thiếu đi tập luyện sức khỏe. Bà khác hẳn với bà mẹ mà bạn bè tôi mường tượng thấy cách đây đã 10 năm rồi trong những lần đi họp phụ huynh cho con. Tất cả chúng đều xuýt xoa ngưỡng mộ.

Nghĩa là mẹ tôi đã từng cũng là một phụ nữ trẻ trung dáng chuẩn, biết thoa son phấn biết xức nước hoa, biết mặc áo gì với quần gì xách túi gì đội mũ gì và đi dép cao gót gì là “nuột”; biết nhảy thế nào là Chachacha thế nào là Valse, thích chép tay bài hát và thuộc lòng rất nhiều thơ tình Xuân Diệu.

Nghĩa là mẹ tôi đã từng cũng có một tuổi thanh xuân mĩ mãn bằng mối tình đẹp như phim với bố tôi. Những bức hình mẹ chụp cùng bố ở biển luôn khiến mắt bà ánh lên về quá khứ rất đỗi tự hào, tại đó, mẹ được mặc bikini hoa và có bố ôm eo.

Chắc chắn là mẹ tôi, hay tôi, hay tất cả phụ nữ không thể nào lăn trở lại bánh xe thời gian mà nhìn thấy từng giai đoạn của chính mình như đi ngược đến La Gi từ Đất Đỏ. Nếu rồi một ngày cân nặng cũng tăng lên, tóc xác xơ đi và da xạm lại, thì cái chúng mình giữ là những tấm phim nhòe nhòe trong trí nhớ đây: nơi có một thửa ruộng nào con đường nào bãi biển nào, đã để lại những gì của tuổi xuân ở đó. Ừ đấy, nhớ lấy làm vui thôi.

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, ngồi kể bên thềm

Sông Hương nước chảy tìm răng được chừ?


Chúng mình đã nói mãi chuyện những người đàn ông như thuyền đàn bà như bờ bến, đàn ông như gió lốc đàn bà như bụi bay, đàn ông như biển cả đàn bà như đá vọng phu…Thế mà Huế kể cho tôi về một câu chuyện khác, nơi những người đẹp cứ ra đi ra đi.

Miền Thừa Thiên từ thuở là đất Ô Lý của Chiêm Thành, vua Chế Mân vì mê đắm Huyền Trân mà dâng không cho Trần Nhân Tông để được cưới. Cô công chúa được nước bạn thương yêu mà cuộc ra đi như thể một trò mua trác. Hôn phối tai tiếng lịch sử ấy khiến người ta phải ngờ rằng, dòng sông Hương lững thững lặng lờ trôi ra biển có phải nước mắt chẳng đoạn đành của công chúa Huyền Trân?

Sông Hương gom mang hết thơm tho của những mạch suối thượng nguồn trong trẻo, của những cây thuốc quý từ thẳm xanh núi rừng Trường Sơn, của những đồng xanh hoa thơm quả mật, của khói nhang… Tất cả theo câu hò khoan nhặt nghìn năm mà vun cho Tam Giang lưới sâu đầy tôm cá, cho Mỹ Á dừa quả trĩu cây, cho Vĩ Dạ chuối buồng nặng tay, cho Hải Cát thanh trà ngọt mọng… trước khi về biển cả. Một lần nữa với Huế, Hương Giang, “cô gái” ấy là người đi. Những đàn ông đêm ngày làm thơ, vẽ tranh hay hát ca về sông Hương thì ở lại. Mến yêu, luyến nhớ, đau đớn, vọng suy, khát khao, thương mong ôm ấp lấy, dẫu chỉ một hạt phù sa đỏ thắm về om xanh cả đôi bờ.

Tôi đến Huế lần này dệt thêm nhiều hạnh ngộ, bước vài bước chân lại gặp họa sỹ, nhà thơ. Họ có khi thất thểu có khi cau có có khi câm lặng có khi cười nói như kẻ điên lạc giữa phố phường. Bên ly rượu muộn màng trong góc Chiều, tôi lắng nghe người bạn lớn tuổi kể những giai thoại. Có ông nhà thơ bị vợ phụ rẫy, ngày ngày đạp xích lô kiếm tiền, rồi tiền ấy trút vào rượu lãng quên và nộp cho bạn bè để chúng ngồi yên mà nghe mình lôi thơ ra đọc. Có anh họa sĩ túi chẳng đủ vài đồng ngồi xe đò, đi bộ men theo bờ biển từ Cửa Việt đến Cửa Tùng thăm em, nghe em nói tiếng Không đau lòng rồi lại đi bộ về… Ờ mà, Huế còn có Sơn ngậm ngùi nhìn người tình bỏ đi như dòng sông. Những câu chuyện bi hài khiến tôi tưởng như Huế là mảnh đất nương níu của đàn ông thất bại trong tình ái, nơi vết thương lòng về ngủ vùi ở ẩn trong 2 tiếng nghệ sĩ hư danh.

Tôi không tin là phụ nữ Huế tệ bạc, nhưng trong một cuộc tình, tôi luôn hình dung họ không phải người mở lời trước, dẫu để bắt đầu hay chia li. Họ chỉ cứ như Hương Giang lặng lẽ xuôi chảy một dòng, kiêu hãnh như sông tận tụy như sông; và đàn ông thành kẻ nhỡ một nhịp cầu lụy vạn đò ngang. Ôi Huế không buồn vì mưa, Huế buồn bởi Huế thơ mà tình chẳng vẹn tròn như nón bài thơ, bởi những người anh chỉ thể nhìn em đi mà chẳng biết phải “tìm răng được chừ”.

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu

Giữ giùm em một thuở hoa vàng


Tôi thấy hoa vàng không chỉ trên cỏ xanh, trước đó, tôi đã gặp rất nhiều, những bông hoa vàng mang hình hài của người con gái.

Trịnh Công Sơn kể “em đến bên đời hoa vàng một đóa“, Lưu Quang Vũ băn khoăn “em của năm nào em của năm nay/em đang thở hay hoa vàng đang thở”, Jacaranda tận bên đẩu bên đâu cũng hồi hộp hé tỏ lòng mình “ta gọi em cô bé hoa vàng nhé”.

Hoa vàng là hoa gì thế? Mà khi là bông cải “nở vàng trên bến sông” – bến sông xuân thì – có cô gái chờ người tình xa trở về; khi là đóa cúc cuối hạ cho anh thương áo em bằng khúc mưa tháng Sáu, khi là động dã quỳ hoang dại trên đồi thu nơi ta quyết “đợi nhau tàn cuộc hoa này”, rồi cũng khi là nụ hồng của ngày xưa “mỏng manh cuối trời” vương xuống.

Ừ thì cũng có những bóng kiều bước đi bên hàng muối trắng, làm thơ dưới tán phượng đỏ, chập chờn giữa đồng cỏ may, hay nương náu thân mình vào mùa thạch thảo tím… , nhưng trong mắt người tình của mình, các cô vẫn là những đóa hoa vàng, được mong/được chúc là những đóa hoa vàng. Tôi đã hỏi, tại sao thế nhỉ?

conmattrangian, con mat tran gian, con mắt trần gian

Vì màu vàng đượm nồng ấm trong ngày nắng, mà cũng dễ nhìn thấy nhất từ xa khi sương mù?

Vì màu vàng vừa vui vẻ phóng túng như Beatles (Yellow Submarine) vừa êm dịu như Dodovan (Mellow Yellow) vừa thằng thừng trực diện như Coldplay (Yellow) mà cũng vừa như kẻ nhút nhát (yellow belly)?

Vì màu vàng của tuổi thơ mà không ngây, tơ mà không non, sáng mà không chói?

Vì màu vàng như tình yêu đầu vô tư rạng rỡ, giàu hi vọng; dù phải xa lìa cũng nhẹ nhõm, không sầu uất u buồn?

Vì vàng_(mà)_son?

Không, mà tất cả.

Trái tim yêu của chàng trai nào cũng đều được bóng hình nàng phả vào hồn đầy đủ những điều tuyệt diệu tương tự thế. Nên nếu em là hoa, chẳng thể nào khác ngoài loài hoa vàng mê mị ám ảnh; em làm nên cuộc tình khó bề giấu giếm và sắc hoa buộc anh phải rung lên nhịp đập khuếch tán nỗi xuyến xao về hào quang của em đến với đời. Trần Hòa Bình có vẻ đã bằng lòng như vậy: “trái tim yêu-vó ngựa hoang thảng thốt/lục lạc rung theo những lối hoa vàng”. Cả em cả tình anh đều, biết đâu, bền lâu vĩnh cửu bởi “thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng”.

Kì lạ thay, tôi chẳng chắc rồi các anh có nghĩ thật vậy không, nhưng tôi thì được cảm hóa, được thuyết phục rằng hình ảnh “thiếu nữ – hoa vàng” là cách ví von đầy nâng niu, trân trọng; lời hứa “giữ giùm em một thuở hoa vàng” là câu thề hẹn giản dị nhưng nặng sâu.

Cái thuở đó của cô gái ở đâu, ở cùng bao lâu? Thật ra nó vẫn trong ngực em, và sẽ tồn tại mãi, chỉ cần em hồn nhiên. Còn anh thì giữ lời thề.

Ảnh: Internet.

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu

Ta còn du và ta vẫn ca


Tôi nói với Minh rằng tôi bắt gặp những khoảnh khắc, những câu nói, những suy nghĩ hay ý định rất quen thuộc của Sơn trong Minh. Không phải vì thế khiến tôi yêu Minh, mà tôi nể cậu ấy. Minh gọi điện cho tôi nói “Hưng quyết định rồi. Chúng tôi sẽ nghỉ… Tôi muốn gặp cậu bây giờ”.

Taduca dừng lại?! Tôi và Minh chỉ vừa đề cập đến chuyện này trong 1 câu đùa “dạo này Hưng hay bảo Minh hát Nắng chiều rực rỡ, liệu có phải an ủi Minh chớ buồn gì trong giây phút chia lìa?”, vào tối ngày hôm qua, ở Cuối ngõ. Nên tôi cảm giác vài giây sau khi cúp máy, mọi thứ chững lại, cái gì lạnh lạnh ở sống lưng bắt đầu lan lên gáy, như thể tôi nghe tin một ai đó mới qua đời, trong phút bối rối gia chủ đã quyết định tìm tôi để than van. Vì thế, thay vì cho Minh “đợi tôi 20-30p mới xong việc” như nói trong điện thoại, tôi vứt những thứ dở dang để gặp Minh luôn.

Tôi hoàn toàn không phải người biếtcảm nhận tinh tế, chỉ là tôi khó tính, chấp nhặt và nếu nhìn thấy thì sẽ nhớ dai (nhưng dạo này ngay đến cái “phẩm chất” nhỏ mọn đó cũng đang bị mòn mục bởi sự ơ hờ của chính mình). Hôm nay tôi biết cậu ấy đã buồn, buồn quá. Bởi cậu ấy nói “có lẽ tôi sẽ đi xa một thời gian và mang theo cây đàn, tự đàn tự hát đúng cái nghĩa DU CA,… tôi không muốn nhờ ai đánh đàn thay Hưng vì Taduca là Tôi và Hưng”. Bởi tôi đã từng nhìn thấy tất cả những biểu hiện đó ở Sơn khi band anh tan rã: buồn phiền, rồi bực dọc, rồi lên kế hoạch mới cho con đường riêng, rồi nhớ nhung nuối tiếc, rồi lại buồn phiền… Bởi cậu ấy nói “ôi tôi buồn quá” chậm rãi sau một hớp trà nóng theo cái cách người ta vẫn khề khà, nhưng khóe mắt đầy sự nghẹn ngào, như thể chỉ nói vì bất giác phải gõ một tiếng động vào khoảng chùng lặng không gian.

Tôi buồn như Minh buồn,

nhưng còn buồn như Hưng buồn (ấy là tôi đoán thế, vì tôi nghĩ đến ý định của Hưng trước đây về việc dấn thân sâu hơn vào ca hát, nếu Hưng còn nhớ về chính mình của ngày đó – mới cách đây chừng 4 5 tháng thôi – thì hẳn cũng sẽ buồn với quyết định bây giờ chứ nhỉ?);

nhưng còn buồn như Taduca buồn, “Hưng không bao giờ chủ động tìm đến chúng ta, liệu chúng ta có cơ hội gặp lại Hưng không, cả những người anh em yêu nhạc của Hưng như Đạt, Duy, Ô Mai Chun, Tùng?”;

nhưng còn buồn của nhiều người ngóng đợi họ mỗi đêm thứ 6 ở Xoan hay thứ 7 ở Nhà Sàn, mỗi chiều bất chợt trong sân ktx MTCN hay bãi cỏ bờ đê sông Đuống, buồn của nhiều người đang ở Hải Phòng Sài Gòn hoặc thậm chí ngoài biên giới mong muốn góp tiếng ca chung.

và còn buồn cho chính mình, Taduca xuất hiện đột xuất trong đời nhắc tôi về tiếng hát nồng ấm vang vọng giữa tình bè bạn; về tuổi trẻ sôi nổi và tự do; cho tôi chốn dung thân miễn nhiễm nỗi canh cánh hận thù, tiền bạc.

Với Minh, tôi hi vọng Minh thực hiện được tương lai vẽ ra cho tôi nghe ngày hôm nay; cho đến thời điểm này, giống như Sơn của nhiều năm trước, Minh có tình yêu mạnh mẽ với thứ cậu ấy yêu, có những điều kiện thuận lợi và “chín muồi” để tiếp tục yêu thêm. Tôi thừa nhận tôi cảm thấy hạnh phúc khi Minh khẳng định tiếp “Tôi sẽ làm được đấy!” – một kiểu hạnh phúc của kẻ thấy bạn mình mạnh dạn chít tay nải bước lên con đường mới bằng lòng tin nhất quán. (Trên con đường này, tôi hãy còn nợ cậu 1 bài viết về sáng tác mới, và tôi mong được thấy món nợ kiểu vậy nhiều thêm).

Với Taduca, thôi thì, những hẹn hò từ nay khép lại, nhưng ta còn du và ta vẫn ca. Ta còn là ai nữa, ta chính là tất cả chúng mình.

Ảnh: Tôi chưa chụp các cậu được cái ảnh nào, nên lấy ảnh từ FB Taduca để minh họa.

 

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, không thể định hình, yêu là chết ở trong lòng một ít

Andsoitis..


Càng ngày tôi càng tin những cái ngẫu nhiên được xếp sắp bằng một thứ gọi là định mệnh (-ĐM? -oke, trong một chừng mực thì nói thế cũng không sao). Định mệnh lại như cuốn sổ được kẻ nào đó chắp bút điều khiến, nếu định mệnh bảo hôm đó không thể là một ngày vui, down mood phải hết cỡ mới thôi.

Nhưng hình như tôi lớn rồi, tôi không buồn giận, mặc dù tôi thấy có gì hơi mất mát trống trải nhưng tuyệt nhiên không phải là buồn giận, thậm chí đôi phần an tâm.

Tôi sẽ không kể nhiều đâu, về những người đồng nghiệp chỉ vừa kịp mến thương đã chọn chung một ngày rời bỏ công ty; tôi sẽ không kể nhiều đâu, về người em gái chưa từng mở lời nói chuyện bỗng một hôm trước khi đi Nhật thổ lộ rằng em ấy follow tôi vì tôi là BẠN của anh người yêu của em; nhưng tôi muốn kể rằng, trời ơi đất hỡi thế nào tôi trót xem Closer – như chiếc áo mỏng cuối cùng vắt lên trên lưng con lừa – vào đúng những phút cuối cùng của ngày hôm qua.

Blower's Daughter, Closer film, Closer, closer movie, closer quote, con mắt trần gian, blog con mắt trần gian, conmattrangian, phạm hoa quỳnh blog

Cái bộ phim quỷ quyệt, rời rạc lởm khởm, những nhân vật với thứ YÊU quá sức phức tạp như thể nhất định bắt người ta thừa nhận rằng vốn dĩ con người là thế, tim người là thế: kẻ nghệ sĩ thất bại và dởm rít bắt đầu mọi thứ bằng cuộc chat sex thì lại có quyền đòi hỏi sự thật và những điều virgin ư? cô nàng nhiếp ảnh gia vừa tham lam bối rối giữa 2 lựa chọn vừa tự đeo mang lương tâm tội đồ trong sự dịu dàng hi sinh để níu kéo cảm giác hối lỗi có vẻ rất đẹp đẽ và nghệ thuật ư? anh bác sĩ với trái tim hằn thù và bản năng tình dục dữ dội lẫn bệnh hoạn thì đòi được thừa nhận là kẻ đáng yêu biết thao tác mềm mại và có dư vị ngọt ngào ư? và cô gái thoát y thèm khát thèm khát được chăm sóc vuốt ve thèm khát được hiến dâng thì đòi hỏi gì ở những người như trên khi mà ngay đến tên thật của cô cũng chẳng ai nỗ lực đi tìm? Dù tôi nghe Blower’s Daughter nhiều lần trước khi biết đến Closer, và tôi biết nó không thể nào là một bài hát vui, câu chuyện dành cho nó không thể nào là một câu chuyện mỹ hạnh, nhưng ai ngờ nó lại là một dạng cay đắng, mất mát và rỗng tuếch.

Ừ thì, mọi chuyện vẫn đúng là như nó phải thế ấy. Andsoitis.

Nhưng mà tôi hi vọng, các bạn Robinson Crusso của tôi sẽ sớm kiếm tìm thấy hòn đảo mới đủ vững chãi cùng Thứ 6 Thứ 7 Chủ Nhật vânvân đủ đáng mến; tôi hi vọng, 1 năm sau khi quay về Việt Nam người em yêu không xao động bởi ai mà đã đủ lớn đủ yêu em để háo hức đến phi trường giữa đêm hôm đón em về. Sự rời bỏ nào cũng chóng vánh khi người ta hết yêu, và những kẻ từng yêu nhau thì chỉ mất nhau khi trong họ trở nên hèn hạ, chẳng còn giây phút tự dằn vặt mình trước mỗi khoảnh khắc họ biết họ sắp sai lầm. Giống như lời của Alice Ayres/Jane Jones đầm đìa nước mắt thất vọng mà tôi cho là một trong số đoạn quote giá trị nhất phim: “Oh, as if you had no choice? There’s a moment, there’s always a moment, “I can do this, I can give into this, or I can resist it”, and I don’t know when your moment was, but I bet you there was one.”

Tôi bước qua và biết là thật thế.

Bây giờ, tôi an tâm để ĐÓNG KHÉP chuyện cũ, an tâm để quên bớt và an tâm để coi trọng những gì quá khứ dạy dỗ mình.

Ơn đời, tôi nghĩ tim tôi lớn lắm chứ.

Tiêu chuẩn