nấm mốc âm tính, con mắt trần gian, conmattrangian, phamhoaquynh, phạm hoa quỳnh
không thể định hình, ngồi kể bên thềm

Nấm mốc âm tính


Nếu phải dùng một từ để khái quát về bên ngoại của mình, thời điểm này, tôi sẽ nói rằng nó quá Âm tính.

Ông ngoại tôi làm diễn viên văn công huyện, chết trẻ sau nhiều lần vào tù ra tội. Bà ngoại kịp có 2 người con trai (1 con đẻ 1 con nuôi) – đều đã mất (1 vì rượu 1 vì chiến tranh), và 2 người con gái là Cả Tâm và mẹ tôi. Mỗi người con gái của bà tiếp tục sinh cho bà 2 đứa cháu gái. Cả Tâm đã bỏ chồng từ sớm, tự thân nuôi các chị Hằng và Hường lớn lên. Rồi chị Hằng lại tiếp tục lấy chồng, có con, dan díu rồi bỏ chồng, có con, lấy chồng, dan díu rồi bỏ chồng, không thích lấy chồng nữa. Chị Hường khá hơn, yêu, chia tay, yêu, chia tay, yêu, chia tay…đâu như độ chục lần…rồi lấy chồng, cãi lộn đánh lộn với chồng…đâu như độ chục lần…rồi sinh con trai, không đánh nhau nữa.

Cuối cùng, ngồi lại trong căn nhà của bà tôi mỗi dịp tưởng như sum vầy nhất chỉ còn lại toàn phụ nữ. Vài người đàn ông ít ỏi là bố tôi và 2 con của bác trai cả mà thôi.

***

Tôi không biết người ta có từng nghiên cứu một định đề nào về sự tương quan giữa thời gian tồn tại trong một cộng đồng thiếu Dương tính đến sự thay đổi tâm tính của những người phụ nữ sống ở đó hay không. Hoặc có khi nào, chính phụ nữ cũng cảm thấy tủi hổ và kệch cỡm trước vô vàn biến chuyển của mình nên luôn gắng che giấu (dù không thành công) và chẳng dám thừa nhận hay không.

Trước mặt thiên hạ, họ có thừa tự hào về sự chung thủy đầy quả cảm của mình khi bao nhiêu đàn ông nằm chết rạp dưới gót mà vẫn ung dung ở vậy hoặc một lòng một dạ với đức ông chồng hiện tại. Họ khiến bất cứ ai cũng trầm trồ như đứng trước tượng đài “Việt Nam anh hùng single mom” của thời đại cũ. Nhưng trong những cuộc diễn đàm nhỏ lẻ với nhau, họ có thể ngồi cả ngày thủ thỉ nhỏ to về những chuyện mê tín, những sự ẩu đả phạm vi xóm giềng, những vụ ăn bẩn phạm vi tổ sản xuất, hoặc về cuộc trai gái ngoại tình của người này người nọ lại có khi (tưởng như không ai biết) của chính mình với các vấn đề rất mâu thuẫn, như: đời chị sướng nhờ đàn ông, đời tôi khổ vì đàn ông, bà này sướng nhờ chồng giàu, bà kia khổ cũng vì chồng giàu, cô kia sướng vì chồng phong độ, cô khác khổ cũng vì chồng phong độ. Họ truyền đạt kinh nghiệm cho nhau rằng con gái muốn đẹp thì ăn mặc phải aăâ ngực phải oôơ mông phải uưvêkép gì đó nhưng khi một đứa con gái như thế đi qua thì họ lại sẵn sang dè bỉu rằng cô ta không được đứng đắn chút nào; vì thương con họ có thể xúi những đứa bé (từ khi còn rất bé) hãy biết chọn nhà giàu sang thế lực để trao thân nhưng khi một nhân vật phim truyền hình làm vậy sẽ bị bỉ bôi rằng con ranh mất nết với ngôn từ thậm tệ không sao tả siết.

Tôi nhận ra họ chẳng biết thỏa mãn với hạnh phúc mà mình có được, nên xem thường phận đàn bà của chính họ để rồi ganh ghét, chán chường và sợ hãi đàn bà biết bao; họ tụ lại cùng thù hằn những người đàn ông trong khi cũng thèm khát dáng dấp của những người đàn ông để gánh gồng cuộc sống và cảm xúc. Đến mức, con Tít (con gái của chị Hằng với người chồng đầu tiên) dậy thì khi mới học lớp 3 đã trở thành điều ái ngại đáng phải đe nẹt; còn mẹ tôi luôn miệng hỏi tôi chửa con gì từ khi em bé mới 12 tuần và chẳng quan tâm nhiều tôi có mệt mỏi hay ốm nghén gì không, cho đến lúc biết con mình mang thai bé gái, bà đã chép miệng thất vọng, rồi ngày ngày sang ôm ẵm đứa bé trai con chị hàng xóm.nấm mốc âm tính, con mắt trần gian, conmattrangian, phamhoaquynh, phạm hoa quỳnh

Đôi khi, tôi có thể cảm thông và gần như thương hại trước những thèm khát hiển nhiên bình dị nhưng đã bị khô mòn và cong méo theo thời gian, những ganh ghét xuất phát từ tủi thân của bà của bác của mẹ của chị mình. Đó là khi tôi một mình dọn dẹp bữa tiệc tàn với cái bụng cồng kềnh còn ông xã đã say sưa thì nằm khểnh trên giường lướt FB. Hay sau đám cưới của em chồng, khi bố mẹ và em đang sụt sùi xúc động giây phút em làm dâu nhà người ta, tôi chợt giơ 2 bàn tay mình lên và phát hiện ra chúng đã xỉn lại vì nước giếng khoan nhiều sắt.

Thế nhưng, đó chỉ là một đôi khi.

***

Tôi đã nghĩ mãi về những ngày bố mẹ tôi chung sống đầy tiếng nói cười, quanh mâm cơm họ có biết bao điều muốn kể cho nhau nghe về một ngày vừa trải. Tôi nghĩ về những lần mẹ tôi khóc vì ghen tuông với cô tiếp viên hàng không Thái Lan đứng chụp hình cùng bố ở sân bay, vì đau khổ những khi bố nóng giận quát tháo động chân động tay, vì thương xót khi bố tai nạn…Trong mỗi khung hình đó, nước mắt không phải tủi phận mà nước mắt của Thương yêu.

Bây giờ, khi mẹ tôi đang trong độ hồi xuân đầy bứt phá, thích sinh hoạt đoàn thể, thích post stt FB bằng tiếng lóng của 9x, thích selfie/check in/live stream mọi thứ, thích mua mỹ phẩm online, thích nhắn tin Zalo thay vì gọi điện, thích vâng – dạ trước mặt đàn ông; thì cuộc đời tinh tường và sung mãn của bố đã cạn cho mái ấm đến mức lao phổi, viêm khớp, gai sống cùng bầu bất mãn ngập đầy buồng tim chỉ chờ chực bung ra mỗi lần uống rượu. Người đàn ông hiện tại đã thậm chí không còn đủ sự nóng nảy Dương tính để vực dậy nỗi lạnh lẽo hời hợt trong căn nhà.

Tôi biết, trái tim là thứ chẳng vững vàng lắm, nó thật dễ bị đánh lừa. Bớt đi một chút “thương”, nó đã khiến ta ích kỷ thêm nhiều phần, khiến ta tự tháo dần mối gắn bó với gia đình để kết thêm nhiều mối quan hệ xã hội khác, cái xã hội thực dụng rất tiếc lại cũng đầy âm tính và hết sức mê tín càng cuốn đi xa hơn trong huyễn hoặc rằng mình đang sống hiện đại hợp thời cuộc.

***

Tôi muốn phá nát sự Âm tính lan man như nấm mốc trong dòng họ mình đi, hay nếu không cũng là cách ly gia đình mình khỏi ổ bệnh đã ủ ê truyền kiếp ấy, bắt đầu từ mẹ.
Đã có lần tôi thăm dò thái độ của bà và hỏi “Mẹ có còn thương bố nữa không?” (Thương chứ không phải Yêu). Mẹ tôi trả lời sao nhỉ? Hình như không phải một đáp án nào cụ thể, mà chất vấn lại tôi “Sao con hỏi thế?”
Một vài lần, biết mẹ follow FB của tôi, tôi post những đoạn những câu ẩn ý trên đó mong rằng bà đọc được.

Và dường như tôi kỳ vọng hơi xa.

Cho nên trong con xóm nhỏ, mọi người đều hân hoan khoe nhau về sự giàu có hiện đại nhanh chóng, thì nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy vừa u ám vừa cỗi cằn. Tôi chán, tôi sợ về nhà. Tôi chỉ biết còn co tròn lại mà thương riêng lấy tổ ấm nhỏ – nơi có Long đã xuất hiện thật hoàn hảo trong đời như một định mệnh, dù tôi còn chưa nói với Long được lần nào những câu “em yêu anh” cho tử tế, chỉ có Long làm vậy, và nhiều khi trong vô thức đang ngủ chợt kéo tôi vào lòng quắp giữa 2 chân rồi hôn lên trán tôi – để tự miễn nhiễm cho chính mình.
 

 

 

 

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, không thể định hình, yêu là chết ở trong lòng một ít

Andsoitis..


Càng ngày tôi càng tin những cái ngẫu nhiên được xếp sắp bằng một thứ gọi là định mệnh (-ĐM? -oke, trong một chừng mực thì nói thế cũng không sao). Định mệnh lại như cuốn sổ được kẻ nào đó chắp bút điều khiến, nếu định mệnh bảo hôm đó không thể là một ngày vui, down mood phải hết cỡ mới thôi.

Nhưng hình như tôi lớn rồi, tôi không buồn giận, mặc dù tôi thấy có gì hơi mất mát trống trải nhưng tuyệt nhiên không phải là buồn giận, thậm chí đôi phần an tâm.

Tôi sẽ không kể nhiều đâu, về những người đồng nghiệp chỉ vừa kịp mến thương đã chọn chung một ngày rời bỏ công ty; tôi sẽ không kể nhiều đâu, về người em gái chưa từng mở lời nói chuyện bỗng một hôm trước khi đi Nhật thổ lộ rằng em ấy follow tôi vì tôi là BẠN của anh người yêu của em; nhưng tôi muốn kể rằng, trời ơi đất hỡi thế nào tôi trót xem Closer – như chiếc áo mỏng cuối cùng vắt lên trên lưng con lừa – vào đúng những phút cuối cùng của ngày hôm qua.

Blower's Daughter, Closer film, Closer, closer movie, closer quote, con mắt trần gian, blog con mắt trần gian, conmattrangian, phạm hoa quỳnh blog

Cái bộ phim quỷ quyệt, rời rạc lởm khởm, những nhân vật với thứ YÊU quá sức phức tạp như thể nhất định bắt người ta thừa nhận rằng vốn dĩ con người là thế, tim người là thế: kẻ nghệ sĩ thất bại và dởm rít bắt đầu mọi thứ bằng cuộc chat sex thì lại có quyền đòi hỏi sự thật và những điều virgin ư? cô nàng nhiếp ảnh gia vừa tham lam bối rối giữa 2 lựa chọn vừa tự đeo mang lương tâm tội đồ trong sự dịu dàng hi sinh để níu kéo cảm giác hối lỗi có vẻ rất đẹp đẽ và nghệ thuật ư? anh bác sĩ với trái tim hằn thù và bản năng tình dục dữ dội lẫn bệnh hoạn thì đòi được thừa nhận là kẻ đáng yêu biết thao tác mềm mại và có dư vị ngọt ngào ư? và cô gái thoát y thèm khát thèm khát được chăm sóc vuốt ve thèm khát được hiến dâng thì đòi hỏi gì ở những người như trên khi mà ngay đến tên thật của cô cũng chẳng ai nỗ lực đi tìm? Dù tôi nghe Blower’s Daughter nhiều lần trước khi biết đến Closer, và tôi biết nó không thể nào là một bài hát vui, câu chuyện dành cho nó không thể nào là một câu chuyện mỹ hạnh, nhưng ai ngờ nó lại là một dạng cay đắng, mất mát và rỗng tuếch.

Ừ thì, mọi chuyện vẫn đúng là như nó phải thế ấy. Andsoitis.

Nhưng mà tôi hi vọng, các bạn Robinson Crusso của tôi sẽ sớm kiếm tìm thấy hòn đảo mới đủ vững chãi cùng Thứ 6 Thứ 7 Chủ Nhật vânvân đủ đáng mến; tôi hi vọng, 1 năm sau khi quay về Việt Nam người em yêu không xao động bởi ai mà đã đủ lớn đủ yêu em để háo hức đến phi trường giữa đêm hôm đón em về. Sự rời bỏ nào cũng chóng vánh khi người ta hết yêu, và những kẻ từng yêu nhau thì chỉ mất nhau khi trong họ trở nên hèn hạ, chẳng còn giây phút tự dằn vặt mình trước mỗi khoảnh khắc họ biết họ sắp sai lầm. Giống như lời của Alice Ayres/Jane Jones đầm đìa nước mắt thất vọng mà tôi cho là một trong số đoạn quote giá trị nhất phim: “Oh, as if you had no choice? There’s a moment, there’s always a moment, “I can do this, I can give into this, or I can resist it”, and I don’t know when your moment was, but I bet you there was one.”

Tôi bước qua và biết là thật thế.

Bây giờ, tôi an tâm để ĐÓNG KHÉP chuyện cũ, an tâm để quên bớt và an tâm để coi trọng những gì quá khứ dạy dỗ mình.

Ơn đời, tôi nghĩ tim tôi lớn lắm chứ.

Tiêu chuẩn
yêu là chết ở trong lòng một ít

Máy khâu


conmattrangian, con mắt trần gian, C.M.T.G, phạm hoa quỳnh

Từ khi biết yêu
Em vẫn ước ao có một chiếc máy khâu
Em sẽ tự may những bộ áo quần
Và chúng mình cùng mặc.

Mùa hè đầu tiên
Cuộc hẹn hò còn ngại ngùng nhìn mặt
Em hỏi anh size áo bao nhiêu
Nắng hôm ấy – nắng của một buổi chiều
ngày hạ rưới mật vàng ươm nhưng không chói
Anh gãi đầu, anh nói:
“Hình như M, mà cũng có thể hơn”.

Hai năm sau vai anh rộng lớn thêm
Khuôn ngực rắn vuông bắp tay chắc nịch
Em mím môi, lòng cười rúc rích
khi anh úp mặt hôn để kiểm chứng rằng “Anh cao hơn”

Thêm một năm nữa trôi qua
Gió mát cứ thổi giữa mùa hè ve kêu rền rĩ:
“Tình yêu ta ầm ĩ,
tình yêu ta nồng say”
Bấy giờ,
em đã quen đo cơ thể anh bằng bàn tay
cứ một gang dài hai mươi xen-ti-mét
Cuốn sổ nhỏ em sưu tầm các chart
chằng chịt toàn số đo của anh.

Nhưng vị tháng năm đâu dễ gì ngọt lành
Sau cơn nắng là ngày mưa xấp xãi,
sau thương yêu là giận hờn mê mải,
rồi bạc tiền rồi đấu đá ghen tuông
Tấm vải mua về xếp gọn ghẽ cạnh giường,
em tặc lưỡi “thôi, ngày mai tính,
cũng chưa đủ tiền sắm nổi chiếc máy khâu”.

Lại mùa hè
là mùa hè năm nay
(đã một mùa từ khi chúng mình chia tay)
Bằng lăng nhanh nhảu rụng cuối ngày
Thành phố nóng nực, ve thì đi đâu hết
Bà lão nhà bên đã chết,
con cháu làm cơm cúng 100
còi xe vào ra inh ỏi.
Lũ trẻ mải miết học thêm.
Bác Lương dưới ngõ gọi vọng lên
mỗi chiều chiều nhắc em đi chợ
“Mua gì về mà thổi cơm ăn”.
“Dạ vâng”.

Em còn cúi mặt loà xoà những ngọn tóc xoăn
Bên cửa sổ mở tung
nắng lấp láy níu buổi chiều sắp tắt,
trước mặt em,
bàn máy khâu mini Nhật
em đã mua lại của một chị có chồng.
Nó cũ màu và kim chắc hơi hư
nên chốc chốc lôi chỉ rối bời như tóc.

Sản phẩm đầu tiên đêm qua em thức
là chiếc áo vải thô, màu rêu xanh
Chiếc áo ngắn tay có cổ tàu anh vẫn thích
suốt đời không biết hơi anh.

hè2015.

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, quan điểm của tôi là.., yêu là chết ở trong lòng một ít

Được yêu như cứu anh


Tôi thèm được ôm tác giả của “Đỉnh núi lãng quên” một chút chỉ vì anh/chị ta đã viết được 5 chữ đẹp đến như thế kia.

Từ lâu tôi, hoặc là chúng ta, quen với quan điểm rằng những điều hồn nhiên đã xa rời (hoặc bị buộc phải xa rời) con người kể từ khi họ lớn (hoặc bị buộc phải lớn) đến một mốc nào đó.

Tôi nhớ lần cùng một người anh phóng viên lên Hà Giang làm tin bài. Trên đường về qua Yên Minh, chúng tôi chứng kiến tai nạn giữa một chị đi xe máy và một ô tô con. Va chạm được coi như may mắn phần nhiều vì đoạn lưng đèo, cả 2 xe đều đang hướng đi lên dốc phía bên sát núi chứ không phải bờ vực. Chị bị chân chống xe đâm vào gan bàn chân, máu chảy liên hồi. Vợ chồng hộ dân gần đó chạy ra hỏi han, vò một nắm lá đắp vào vết rách nhưng không có gì chặn được động mạch nên máu tiếp tục phun thành vũng. Người đàn ông đi ô tô khá sốt sắng muốn đưa chị vào trạm xá, và điều đó khiến chúng tôi yên tâm, định bụng đi tiếp. Thế mà nghĩ sao, 2 anh em lại dừng lại, trong phút nóng ruột bởi nhìn chị có vẻ muốn lả đi vì sợ và vì đau, tôi rờ tay lên cổ tháo luôn chiếc khăn rằn đang dùng để bịt mặt, chạy tới, xé làm đôi. Một nửa, tôi buộc siết vào cổ chân; một nửa quấn quanh gan bàn chân đang ướt đầm đìa, không nói câu nào cả.

Tôi biết chị khá sửng sốt với tôi – một người khách du lịch xa lạ, trong đoạn đường sắp tới từ Yên Minh về sẽ không có cái gì để chắn bui che nắng nữa. Chiếc khăn quá nhiều kỉ niệm với mình, nhưng trong mắt tôi lúc đó trời rộng thêm và những con đèo quanh co đầy cảm xúc. Tôi biết là mình đang vui.

Có thể bạn cũng đã từng cảm giác thấy niềm vui tương tự như thế, khi nhắc một người quên gạt chân chống xe rồi phóng vọt đi chẳng hạn. Đó là sự sướng vui đầy hồn nhiên của một con thú vừa làm một điều gì để CỨU đồng loại của mình, của đứa trẻ con san sẻ nỗi đau với một đứa trẻ con khác, dẫu rằng bạn có ở tuổi bao nhiêu chăng nữa. Tất nhiên, tôi dùng từ “cứu” không với nghĩa đen một cách quá đà và cứng nhắc, nên hiểu nó như là ‘đem đến một điều tốt đẹp gì đó cho người xa lạ, dù lợi ích của mình có thể bị hao hụt’. Trong đời, tất nhiên là khó định nghĩa đâu/cái gì/như thế nào thì hạnh phúc. Mà hạnh phúc chỉ là một cảm giác, chóng vánh đến và bất ngờ đi mất, do đó đa phần chúng ta dùng ngoại-động-từ “được” để nói về giây phút khi có vẻ chạm đến hạnh phúc: được ăn (đồ ăn từ người khác mang tới), được chăm lo (người khác chăm lo cho mình), được yêu thương (người khác yêu mình) …vân vân tương tự như vậy. Thế cho nên, tôi lại muốn khẳng định thêm một lần nữa, có tồn tại thứ hạnh phúc gọi là “được cứu”, với từ “được” là nội-động-từ.

được yêu như là cứu anh - con mắt trần gian

Quay lại chuyện “được yêu như là cứu anh”, sau sự so sánh “hồn nhiên” đáng giật mình đến thế, tôi chẳng muốn cắt nghĩa thêm thêm thêm gì nữa.

Khi tôi đồng ý tới bên anh, biết đâu, chưa kể đến cơ duyên vội, bắt đầu bằng sự rung động của lòng thương cảm với một con thú bị thương. Trên dáng vẻ ướt lạnh và giọng nói say mềm của anh hôm đó là đầy vết đâm của tình cũ, của những người bạn đã mất, của những đắn đo với con đường mình chọn, của chán nản… Tôi đã ước mình sẽ “cứu” nổi, sẽ chăm sóc, sẽ yêu.

Tất cả hạnh phúc với tôi chỉ có thể chấm hết nếu tôi không còn “được yêu như là cứu anh” nữa – cứu cuộc đời người đàn ông bềnh bồng và cuồng nộ hơn bao giờ bằng niềm hoan ca non nớt. Nhưng chắc hẳn bên cạnh vòng tay hân hoan mở ra với anh, tôi cũng phải biết chấp nhận sẽ còn buồn nhiều, bởi vì tồn tại cả những con thú sau khi bị thương chỉ muốn nằm đau một mình.

Viết dài dòng cũng chỉ để ca ngợi 5 chữ kia thôi sao mà hay quá!

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu, quan điểm của tôi là..

Chưa xa đã nhớ


(Oke oke, thôi được rồi. Tôi biết là nếu không ngộ nhận vào tầm thu hút của bản thân thì chắc hẳn có vài kẻ đã và đang chửi rủa tôi “hẹn hò điêu vãi beep”, cho nên là vào chủ đề luôn đây.)

Hàng ngày, trước khi ngủ, tôi vẫn nằm nghe playlist trong chiếc Ipad đỏ đáng ra nên dành cho công việc là chính. Tôi thích chọn chế độ shuffle và để Around the world đột ngột chuyển sang thứ giọng “nhè nhẹ sầu lên” của Khánh Ly, hoặc đang Autumn leaves bỗng biến thành Cradaz. Cứ thế. Tôi không nghĩ nhiều nữa mà chỉ còn thấy sung sướng với chuỗi âm thanh đảo tung như vậy.

Hôm nay thì khác, tôi nhớ Bảo, tôi tìm lại những vài viết cũ lắm của anh, tôi nghe lại cả những ca khúc bằng tiếng hát Hà Trần. Rồi vừa đi trong lòng phố, vừa hát tình ca.

***

Em gái tôi nói tôi sướng hơn nó khi cuộc đời có nhiều điều đáng để nhớ.

Phải chăng là thế?

Hai mươi mấy năm qua, có những lúc, tôi, về sau này, không biết tại sao lại nhớ mãi thế. Tôi ngồi hàng giờ để kể chuyện những tháng năm chập chờn như hoa như bướm khi sống cùng tuổi thơ ở ngôi nhà Vĩnh Sinh; tôi còn xúc động y nguyên về khúc sông Đà mùa xuân xanh ngăn ngắt chảy qua Lai Châu; về hoàng hôn tím tái khi tôi đứng trên con đèo biên giới, phía dưới nơi tôi đứng là thung lũng sâu hun hút, còn bên kia nước bạn thì trùng điệp núi non; tôi giữ nỗi bổi hổi từ những ngày đầu tiên biết mình yêu một người đàn ông.

Chúng, những câu chuyện, đến và ở lại với tôi cũng bình thản lắm. Tại sao một đứa sợ người lạ như tôi lại dũng cảm nộp đơn phỏng vấn tình nguyện xa? Tại sao khi nghe đến Hà Giang, tôi gật đầu, vay tiền chỉ trong một buổi chiều, và hôm sau đi luôn mà không cần đắn đo người bạn đồng hành của mình thế nào? Tại sao một buổi tối mưa phùn tôi đến Polygon? Tôi không biết, làm sao mà tôi biết được. Mà biết để làm gì? Bây giờ đặt câu hỏi “tại sao” có cần thiết nữa đâu, bởi chẳng biến cố gì cả, chỉ những dấu ấn đẹp đẽ đã dập khắc trong trí nhớ một cách vô thức, y như những giây phút ra quyết định của tôi.

***

Thế rồi, tôi phát hiện ra mình mắc một hội chứng, cứ cho là nguy hiểm đi, Bảo gọi nó là “chưa xa đã nhớ”.

Tuổi trẻ

Nói đơn giản là tôi còn trẻ, hội chứng háo hức đặc thù của tuổi trẻ. Hẳn là thế rồi, ngoài những lúc mọi người thấy tôi già, hoặc ngớ ngẩn, ra thì họ chẳng bao giờ thấy tôi trẻ cả, điều đó riêng tôi biết. Mà kệ đi. Có ai đâu chợt cười vì ngước lên trời mưa phùn bắt gặp một cái lá bàng đỏ ối duy nhất trên cây? Có ai đâu thấy vui khi hột vòng đứt ra từ tay một chị đi xe Future nảy nảy nảy vài bước trên mặt đường rắn câng, rồi cơ duyên thế nào nảy vào gầm để chân của một anh đi SH, anh này dừng lại nhặt hết số hột vòng vương cho chị Future?

con mắt trần gian blog, conmattrangian, C.M.T.G, phạm hoa quỳnh

Mọi thứ gấp gáp như chưa bao giờ được thế. Tôi chẳng còn thấy việc ông nhạc sĩ gì đó giới hạn cuộc đời người ta trong 60 năm là vô lý nữa. Tất cả vội vàng đến với tôi trong sự kì vọng lớn lao và quyết tâm hiếm có. Làm, làm thêm, đi xa, yêu…Tất cả.

Có thể là tôi đang ở đâu đó trên cái đất nước nhỏ bé này rồi, Đà Bắc ư, hay thể Saigon, thậm chí là Trường Sa Lớn, nhưng tôi vẫn cứ thấy nhớ nhung nó quá. Giả như chưa từng đi, thì tôi sẽ tưởng tượng về nó, nghĩ liên tục về nó, đến khi trong cả mấy tầng giấc mơ vẫn tưởng là thật; một kiểu tự kỉ ám thị mà chỉ cần một cơ hội, tôi sẽ tức tốc đến với nỗi nhớ kì cục đó ngay. Ngay. Rồi nữa, hẳn là tôi đang ôm chặt anh ở trong tay đấy, mà tôi đã day dứt như đang xa nhau được ngay. Lúc nào cũng cuống quýt cả lên. Đến mức chỉ cần nghe tiếng tôi vừa nói vừa thở hồng hộc, anh biết nhịp tim tôi đang đập thế nào.

Nỗi hồi hộp làm cho sự lí trí khuôn khổ của tôi mếu máo, thành thử sẽ luôn luôn có cái chuyện khi trở về nhà sau một chuyến đi dài, hay ngồi một mình sau hành động kì quặc nào vừa diễn ra, tôi mới phì cười chính mình. Tôi phì cười vì tôi biết đồng nghiệp tá hỏa với một plan đi xa nào đó bất ngờ được đưa ra, phì cười với sự con nít cầm tinh đỉa đói mỗi lúc ở cạnh người yêu. Haizz.. Tuyệt vời thay tôi chưa hối hận (hoặc là chưa đến lúc hối hận, như mẹ tôi vẫn nói).

***

Chả sao cả!

Tuổi trẻ

Bạn biết không?

đem cho đời ta một khoảng có hạn (thời gian có hạn, sức lực có hạn, con người có hạn) để tham lam tới mức “chưa xa đã nhớ”, để cuống quýt, để cuồng loạn.

Có còn nhớ câu của Xuân Diệu không?

“mau với chứ, vội vàng lên với chứ”

phải chứ?

(Mà pê-ét, cả cũng một phần (be bé thôi) bây giờ đang là mùa xuân, phỏng? Hiểu thì mỉm cười rồi Like cái coi.)

Tiêu chuẩn
yêu là chết ở trong lòng một ít

“tưởng như máu trong tim đông đặc”


em hâm quá cơ mà

em cứ nhớ anh đùng đùng lên, mừng mừng tủi tủi một mình

hôm nay không có chuyện gì cả,

hôm nay em chỉ uống một tí rượu

một tí teo

vì thế rõ ràng là em không thể nào say được

chắc chắn em không say

nhưng mà..

nhưng mà,

lúc ôm anh,

rúc vào ngực anh,

em chỉ định bảo

em..

em chỉ định bảo…

EM MUỐN LÀM VỢ ANH

nhưng mà

nhưng mà

em lại khóc huhu mất

cũng chẳng biết làm sao mà em lại khóc thế, nghẹn ngào như thể bị oan, và không dừng lại được

thế cơ mà.. *thở dài*

___

Về nhà, em lôi kazoo ra thổi, em biết anh ghét Phú Quang, nhưng em thích bài “Nỗi nhớ” của ông ấy:

“Nỗi nhớ dâng đầy trong em. 
Gương mặt anh nụ cười anh, vòng ngực ấm 
Tưởng như máu trong tim đông đặc 
Nỗi nhớ dâng đầy, dâng đầy 

Ôi chẳng có dòng sông mặt biển nào ngăn cách 
Mà sao ? Mà sao? Em không thể tới bên anh ? 
Để nỗi nhớ như con thuyền vượt sóng 
Đến bên bờ, chỉ là giấc mơ 

Căn phòng đêm nay câm lặng 
Sao như lửa cháy bốn bề. 
Em ùa chạy như lá khô gió cuốn 
Mê mang trong nỗi đớn đau. 
Mà không thể ra ngoài nỗi nhớ 
Không thể ra ngoài nỗi nhớ đâu anh!”

ái chà chà..! nhớ sao mà nhớ thế cơ mà…đúng sao mà đúng vậy cơ mà…

ái chà…! Ngày trước, em cũng bắt đầu nhận ra mình đã “trót dại” yêu anh từ hôm ấy, cái hôm mẹ em lên kí túc xá thăm con ấy, lần đầu tiên em ngóng đi gặp một người con trai hơn ở lại phòng với mẹ, lần đầu tiên em buồn thỉu cả buổi tối và đêm nằm úp mặt vào tường khóc trộm..
576389_568115473204308_266929641_n

(ngày mới yêu, chúng mình “vui như chim sơn ca” thế này này)

ái chà.. sao thế nhỉ? đến ôm vào lòng rồi mà còn nhớ quá!!?

mà anh,

anh lại chẳng chịu hiểu gì cả

haizzz…

anh ngủ ngon đi nhé

em không huyên thuyên nữa vậy

*thơm vào mắt trái, thơm vào mắt phải, thơm vào má trái, thơm vào má phải, thơm trán, thơm sống mũi, thơm môi*

Tiêu chuẩn
yêu là chết ở trong lòng một ít

“Mắt môi em làm tin”


mắt môi em làm tin, con mắt trần gian, blog con mắt trần gian, conmattrangian, phạm hoa quỳnh blog

Đáng ra, mùa thu sinh ra cho em. Một cách ích kỉ, em tin thế, em mặc định thế.

Mấy hôm nay, cả gió, cả nắng, cả phố xá, cả anh… đều cay nồng trong tim – thứ cảm giác giống như toàn thân tê liệt, rồi loang ra, mỗi khi Thu tới, nó gần gũi tới mức hình như đã thổi vào lồng ngực em từ nhịp thở đầu tiên trên cõi đời và ở đó thành “déjà vu”, còn riêng em, chết lặng.

Em nhớ mình đã từng cáu gắt, gào khóc vì anh quên sinh nhật. Em tưởng mình sẽ lại hậm hực, hờn dỗi; vì Thu đến đầy hãnh diện và chẳng bất ngờ như thế đấy, mà anh, chắc chắn, sẽ vẫn quên. Nhưng hình như, em lớn hơn rồi, nhẹ nhõm làm sao, em không còn đòi hỏi nữa. Vì hạnh phúc anh mang đến cho em, bấy lâu, bung tràn; em đâu có ngờ, em ngồi khóc trong tình yêu ấy bởi chính vết loang ra của hạnh phúc.

Có chăng, mùa Thu tặng em quá nhiều thổn thức để dành cho đủ loại tình yêu: cho con chim chào mào kiêu kì nghếch mặt chúng mình vẫn thấy ở Hàng Trống, cho buổi chiều có vệt nắng chạy dọc phố Nguyễn Thái Học; cho cái tiếng khàn khàn của Garou khi anh ấy hát  “dans ma maison à moi, Il y fait toujours beau, l’hiver il fait moins froid, l’éte il fait moins chaud, …ma maison si tu veux, ce sera ta maison..” trong vở nhạc kịch “Notre Dame de Paris”; cho niềm háo hức với những đôi hài em bé; cho cả những lần, ôm mớ tóc rối tinh mệt mỏi của anh ghì vào lòng mình.

Tại sao, dù bấp bênh đến vậy, em vẫn cứ tin chúng mình sẽ không thể rời xa nhau. Có thể sẽ không có một đám cưới nào, không một căn nhà nào, không một tài khoản ngân hàng nào, nếu chúng mình có con, nó sẽ không học một trường lớp nào… có thể sẽ hàng bao chuyện phi lý đối với xã hội này xảy ra với 2 đứa (có thể lắm chứ! giới hạn cho 2 chữ này là vô biên)..  thì bám theo em là thứ niềm tin được cùng anh gây dựng tất cả. Chưa bao giờ hiển hiện bằng vật chất, nó chỉ lên tiếng mỗi khi khép mi mắt xuống, nhịp tim ngắn lại và thấy trên môi tê rần.

Em đem thứ xúc giác đó làm tin cho tình yêu; khi nhớ anh, em cảm tưởng có cơn gió mùa thu lùa qua kẽ tóc vành tai, em cảm tưởng như sự chết lặng bắt đầu loang ra; em cảm tưởng thấy những sợi máu trồi lên, thấy vết cấu cào của hồng cầu trong thành mạch, em cảm tưởng thấy cả anh biết điều đó, rất rõ ràng.

Tiêu chuẩn
yêu là chết ở trong lòng một ít

Thế rồi cũng đến lúc chấm hết


Đây sẽ là entry cuối cùng trước khi blog Yahoo sập. Em cũng chẳng có thật nhiều thời gian cho những dòng suy nghĩ viết được ra thành bài thành vở – những thứ anh khinh thường.

Trong tình yêu với anh, có những điều tuyệt vời, và cả không, nhưng em sẽ không quên.

Tiếng anh gọi em lần đầu tiên ở Polygon. Tuyệt vời.
Đêm 30 năm ngoái, anh bỏ mặc em lấy xe đi khỏi nhà anh, lúc ấy là 1h30 sáng. Thật tệ.
Hôm em trả áo khoác con hổ cho anh, 2 thầy-trò lang thang ở Hồ Tây, anh hứa: “Bất cứ khi nào em cần anh, anh sẽ luôn đến bên”. Tuyệt vời.
Lần giận nhau, không liên lạc được vậy mà cả hai cùng tới Tre. Buồn nhưng cũng tuyệt vời.
Đêm đi lang thang HN đến sáng, nhận cú điện thoại chỉ trích đầu tiên từ chị Trà. Rất buồn.
Chúng ta ở bên nhau rất nhiều, ôm nhau, hôn nhau rất lâu. Tuyệt vời thật.
Chúng ta cũng giận nhau nhiều quá… Buồn lắm.
Một hôm làm lành nào đó, anh hứa “dù thế nào anh sẽ không bỏ rơi em”. Tuyệt vời
Lần chia tay nhau hôm 20/10, cú điện thoại với những lời kinh khủng nhất từ chị Trà, và câu nói của anh, qua điện thoại: “Chia tay đi, anh cần bạn bè anh hơn”. Rất đau.
Lần làm lành nào đó khác nữa em quên rồi, anh nói: “nếu em muốn bước vào cuộc đời của anh, em hãy làm lành với chị Trà, và hòa đồng vào bạn bè anh”. Em hỏi lại: “đây là điều kiện để anh chấp nhận em à? nếu không?”. Anh lắc đầu và quay đi. Em không nhớ rõ cảm xúc của mình khi ấy cho lắm, nhưng có vẻ là tệ.
Còn hôm nay, chà…hôm nay, anh đã khẳng định rõ ràng cho em thấy một điều: trong cuộc đời anh, em không phải một người quan trọng, em đứng sau tất cả sự nghiệp, niềm đam mê, gia đình, bè bạn.

Sơn à,.. Em muốn làm một người quan trọng. Chứ không phải chỉ là người thông cảm cho anh, nhún nhường người này người kia để vui cả đôi bên, làm mọi cách để bước vào cuộc sống của anh, không dám mơ ước gì ở tương lai, mà vẫn không được xem là gì hết.
*cười*
Em muốn làm một người quan trọng với anh. Em tham vọng quá, nhỉ?

Anh mệt. Đúng. Vì thế, chắc hẳn, trong tình yêu với anh, em là kẻ phá hoại mất rồi.
Em yêu anh. Không sai. Vì thế, có thể, em đã mất đi tri giác mất rồi.
Chấm hết mất rồi.

*ứa nước mắt*

Tiêu chuẩn
yêu là chết ở trong lòng một ít

Tạm thời, em không biết đặt tên gì cả


Trong màu đen hiện hữu của đêm
không hô hoán, dèm pha, bực dọc
không trái ngang, ó la, than khóc

Chỉ có hàng long não lá li ti
và câu thơ –  chú dế nhỏ thầm thì:
“Tôi – gã cô đơn nhận mình là họa sỹ
bán trái tim, đổi triệu đóa hồng nhung
này em,
em nhận không?”

Ôi, màu đen, mênh mông, mênh mông
đen thăm thẳm như mắt người tình nhỏ
phủ xanh mi cỏ,
đọng đôi hạt sương sa
khi dỗi hờn
lặng lẽ lăn qua

Rơi xuống rồi,
ướt đầm vạt hai vạt áo
Biết làm sao, tôi biết phải làm sao?
Tôi ngốc quá, không để đâu hết ngốc
Tôi giữ “cái tôi” cộc cằn, khô khốc
Bước một mình giữa lối đi thăm thẳm hơn đêm
Mà quên đi bình yên trong mắt em
có hàng long não, có câu thơ của con dế nhỏ
câu thơ ngày xưa dang dở
vô tình quên đi
“Tôi – gã cô đơn nhận mình là họa sỹ
bán trái tim, đổi triệu đóa hồng nhung
này em,
em nhận không?”

 

Tiêu chuẩn
cuộc đời đó có bao lâu

Chia tay "em", chia tay…


Tôi đem chút lặng lẽ còn lại rơi rớt trong trái tim của mình để hôn lên tháng 6… Thế đấy, tháng 6 Hà Nội, của tôi, sắp xa tôi rồi…

Hà Nội trong khao khát của tôi là một nghịch cảnh với nơi tôi đang bước chân lên mỗi ngày đây, hít thở mỗi ngày đây, cũng tên Hà Nội. Tôi ghét lắm, rất ghét! Tôi đã nhìn “em” như nhìn một cô gái trẻ trung một hôm xuất hiện tình tứ bên người bố của mình: gờm gờm, hằn học và căm phẫn. “Coi kìa, “cô” là ai? Tại sao “cô” lại ở đây? Này, coi kìa, cái thứ son phấn đang bôi trát lên mặt, cái đầm xẻ khiêu khích…Trời trời! Coi đi kìa!..Hà Nội đằm thắm, trầm mặc của tôi đâu? Hả?”

Sao cứ như 2 số kiếp của nhau, tôi sống trong lòng Hà Nội váy đầm, và phải lòng Hà Nội áo trắng.

***

Tháng 6 mưa về, mimosa đã tàn hết theo mưa, bè bạn cuốn đi hết theo mưa… Hà Nội! Thi thoảng, tiếng gọi ấy  khắc khoải hơn ve…

Này,
Hà Nội tháng 6 này… tháng 6 Hà Nội!

“Em” có bao giờ… nghĩ tôi sẽ làm một thi sĩ không? Một gã thi sĩ rong ruổi phố cổ những ngày phố buồn tênh, leo lên Đinh, ngồi ngoài mái hiên nghịch mưa rơi tí rách, ngắm giọt cà phê tí tách, vuốt ve một nụ sen cô đơn trong chiếc bình gốm “già”, và thả ra những câu thơ diễm tình nhất về “em”, một cách nhẹ nhàng như phả một làn khói thuốc?

Ôi không không, “em” ạ. Đến chính tôi cũng phẩy tay đi với thứ tưởng tượng vừa nông cạn vừa…nông dân của mình. “Em” có buồn nữa đâu, nụ sen có cô đơn nữa đâu, thơ của tôi – chỉ thễu thợt như tiếng ve, tôi – gã thi sĩ Ve, Ve “Sầu”!

***

Nhưng…
Tôi lại đang xa “em”, ờ, hoặc là “em” xa tôi, cũng như nhau cả. Kiểu gì thì kiểu, xa nhau là buồn rồi, đến lườm một cái cho bõ ghét cũng không làm được. Chưa kể tôi lại…yêu em. Giá mà, “em” cứ ở đó, tôi cũng cứ ở đó, chúng ta cách nhau 1, 2 thập kỉ hoặc là lâu hơn nữa đi, có phải là ta đã yêu nhau, yêu rất nhiều không? Hoặc như “em” có bỗng chốc “thay màu áo mới”, tôi cũng vẫn còn cho mình đôi chút mộng mơ, nhung nhớ về tà áo cũ, trắng tinh.

Ừ thôi, không “tiếng dương cầm đâu lặng lẽ” cũng được; không thềm gạch, không “ngõ vắng xôn xao” cũng được;
nhưng một tí chút xanh rêu kỉ niệm để thử “bám vào trượt ngã” tôi cũng không có. Vậy nên, cho tôi hôn em một lần thôi, đầu tiên và duy nhất.

Và, tôi xa em, với áo cử nhân màu cánh én. “Em” đi đi…

P/s: Haizzz…căn bản, tôi cóc phải chàng thi sĩ Ve Sầu, tôi là con gái.

Tiêu chuẩn