cuộc đời đó có bao lâu, ngồi kể bên thềm

HÀ NỘI – Một tình yêu thôi để nhớ


 SON_3331_502

Những ngày tháng này, cả Hà Nội đang ngả đầu vào thu. Trong từng hơi thở heo may, có những hồi tưởng trầm hùng của xưa cũ, có hiện tại được trang hoàng nguy nga , và những khúc nhạc ước mơ tươi trẻ.

Một nghìn năm: quá dài để đong đếm đời người, nhưng là ngắn cho biết bao thay đổi. Từ  Lý Thái Tổ đến Hồ Chí Minh. Từ Hoàng thành Đại la 36 phố phường tới thủ đô 3344,7 cây số vuông. Từ Thăng Long đến Hà Nội. Từ văn hiến đến văn minh. Hay đơn thuần từ sự thay đổi của “người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, không nhớ nổi một con đường” đến một sớm tinh mơ thấy “tâm bình yên” và “HN rất thân quen”. Quá khứ để lại cho ta những giai âm “không thể nhân bản” (theo cách nói của NS Nguyễn Cường).

Cái tình đến trong mỗi người yêu Hà Nội theo cách riêng khác nhau. Có thể như ông họa sỹ ôm hết những nóc phố xô nghiêng cho vận vào sinh nghiệp. Biết đâu là cô gái ở lại vì phải lòng “một đời thơ dại khờ” nào đó. Hay người lính thời chiến nhớ tháng năm tuổi mình qua dáng Long biên nằm vắt ngang thời gian, in sâu vào khói chiều, đỏ quạch.

Tuy nhiên, cũng có một lí do chung cho nhiều tình yêu Hà Nội: mùa thu. Tôi công nhận Hà Nội mùa thu rất đẹp, quá đẹp. Tôi đoán thu xưa hẳn giản đơn, thanh thoát, mềm mại lắm. Giống như cô gái trong trái tim Hoàng Dương: “dáng huyền tha thướt” và “tóc thề thả gió lê thê”. Bây giờ, cô gái ấy đã tân tiến, rực rỡ, mang chút gì đấy sang sang của người phụ nữ nhảy điệu Tango. Bằng chứng là có quá nhiều kẻ si tình đổ về đây để mòn mắt. Thu nay thật ngắn. Nó khiến ta mỏi mong chờ đợi, rồi một phút giây vô tình quên lãng, khi giật mình ngỡ ngàng đã đành chia ly. Đến và đi nhanh như một đoản khúc, thành ra, lúc nào thu Hà Nội cũng là thứ men làm người ta dù xiêu đổ vẫn một mực khát khao.

sam_9030_1566851813

Thành đức – Đạt tài: Phong thái nho nhã, học thức của người Hà thành cũng là một cách để người ta đến với đất kinh đô. Sau bao cuộc bể dâu, dù dưới triều đại – thời đại nào, chốn kinh kỳ luôn là cái nôi của văn hóa. Tôi không muốn nói đến những dòng người tạp nham vào ra thành phố mà các bạn đang chứng kiến mỗi ngày. Bởi đơn giản họ không phải “người – Hà – Nội”. Nhìn chung đó là một cụm từ hoàn toàn không dễ cắt nghĩa. Theo một cách nghĩ, thì “người Hà Nội” dường như một khái niệm mơ hồ, không có thật, hay không còn nữa giữa thế kỷ này. Vẻ như đâu đó tôi đã từng gặp một vài “người Hà Nội”, hoặc những người không phải “người Hà Nội” nhưng mang dáng dấp Tràng An. Trong hình dung của tôi, họ đi khoan thai, cười dịu dàng, ăn cầu kỳ và nói ý nhị; nhiều lúc, họ làm tôi lien tưởng đến những đóa hoa huệ trang nhã trong chiếc lục bình kiểu cổ mang tên “Hà Nội Phố”.

Đôi khi trong tôi là sự ghen tị với những ai có quyền kể về Hà Nội bằng những tính từ sở hữu hợp pháp, tức là Hà Nội của “anh ấy”, Hà Nội của “chị ấy”, Hà Nội của “họ”, vân vân. Điều đó làm tôi chỉ dám dành cho Hà Nội một thứ tình đơn phương hoang hoải, len lén như nụ hôn của “anh ấy” với “chị ấy”, như những lời thầm thì của “họ”. Hà Nội trong tôi là những vạch ngang dọc trên tấm bản đồ, nơi ấy, con đường sỏi đá đã quen tên bàn chân. Hà Nội đi qua tôi như vệt lướt nhẹ nhàng của âm sắc, hương vị, cảm giác: nhạc Phú Quang, hoa sữa, và một ngày gió se. Hà Nội với tôi là cả khát vọng thanh xuân, miền ước mơ phồn hoa, danh vọng. “Hà Nội của tôi” là góp nhặt những mẩu chuyện lăn lóc giữa đường, là đan xen những cung bậc cảm xúc: từ ánh mắt vỗ về nụ cười, từ tiếng sóng cồn khi giọt nước mắt vô tình đánh rơi vào thinh không.

Tôi đã có “mối tình lẻ” 3 năm để ghi dấu về thủ đô ngàn tuổi vào ý niệm – với âm nhạc, hội họa và văn học. Thành phố này là cái duyên kỳ ngộ cho tôi bám víu vào nghệ thuật. Những sự gặp ngẫu nhiên và phi thực như thế ít gây ra vết thương cho ai. Phải chi Hà Nội là một chàng trai, có thể tôi sẽ yêu và nhất quyết đòi kết hôn với “anh ấy”. Tiếc rằng Hà Nội mãi là một giai nhân…

“Còn điều chi ta mải miết đi tìm?”.

Tiêu chuẩn